Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ: Đề nghị của Bắc Triều Tiên được hoan nghênh nhưng không đủ


Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il, trái, và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại một căn cứ quân sự bên ngoài Ulan-Ude, 24/8/2011
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il, trái, và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại một căn cứ quân sự bên ngoài Ulan-Ude, 24/8/2011

Hoa Kỳ đã gọi tin về những nhượng bộ của Bắc Triều Tiên là đáng hoan nghênh nhưng chưa đủ. Phản ứng của Hoa Kỳ được đưa ra sau khi lãnh tụ Kim Jong-il nói với Nga họ sẽ đình chỉ các cuộc thí nghiệm và sản xuất võ khí hạt nhân khi hội nghị sáu bên tái tục.

Các giới chức tại Washington không bác bỏ thẳng tuyên bố của ông Kim, nhưng nói những nhượng bộ mà ông đưa ra trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev là không đủ để tái tục hội nghị sáu bên.

Một phát ngôn viên Nga thuật lại ông Kim Jong-il đã nói Bình Nhưỡng sẵn sàng trở lại cuộc đàm phán và trong tiến trình thảo luận Bình Nhưỡng sẽ sẵn sàng “để giải quyết vấn đề” về một kỳ hạn chót cho các cuộc thí nghiệm và sản xuất võ khí hạt nhân.

Trong quá khứ, Hoa Kỳ đã nói một kỳ hạn chót như vậy là một điều kiện cho việc tái tục hội nghị 6 bên.

Hôm thứ Tư, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà Victoria Nuland, nói nếu thật sự chính phủ Bình Nhưỡng muốn đình chỉ các cuộc thí nghiệm hạt nhân và các vụ phóng phi đạn, thì điều đó sẽ được hoan nghênh, nhưng đề nghị này chưa đủ bởi vì không đề cập tới chương trình tinh chế uranium của chính phủ Bình Nhưỡng. Bà nói tiếp:

“Sự tiết lộ của họ hồi tháng 11 năm ngoái về một cơ sở tinh chế uranium vẫn là một vấn đề lo ngại nghiêm trọng đối với chúng tôi. Và những hoạt động này là một vi phạm rõ ràng đối với nghĩa vụ của họ theo tinh thần các nghị quyết 1718 và 1874 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Vào năm 2005, Bắc Triều Tiên đã thoả thuận trên nguyên tắc cắt giảm chương trình hạt nhân, trong đó có một kho võ khí hạt nhân nhỏ, để đổi lấy những lợi ích về kinh tế và chính trị.

Tuy nhiên, hội nghị sáu bên đã kéo dài bất tận và tan vỡ năm 2008.

Bình Nhưỡng đã thí nghiệm võ khí hạt nhân năm 2006, và một vụ nữa năm 2009 sau khi các cuộc thảo luận sụp đổ, và đã tiến hành nhiều cuộc thí nghiệm phi đạn.

Quan hệ Nam-Bắc Triều Tiên gặp khủng hoảng hồi năm ngoái sau khi Bình Nhưỡng đánh chìm một chiến hạm của Nam Triều Tiên và pháo kích vào một hải đảo ở vùng bờ biển phía nam.

Nhưng căng thẳng đã dịu bớt, các giới chức Bắc và Nam Triều Tiên họp hồi tháng trước tại một hội nghị của ASEAN ở Bali, Indonesia. Các đặc sứ của Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên sau đó đã họp tại New York.

Một số nhà phân tích chính trị hoài nghi về những hành động hòa giải mới đây của Bắc Triều Tiên, mà họ cho rằng bắt nguồn từ những vấn đề kinh tế ngày càng xấu.

Ông Bruce Klinger, chuyên viên kỳ cựu về vấn đề Đông Bắc Á trong tổ chức nghiên cứu Heritage Foundation ở Washington nói những lời hứa mơ hồ do nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đưa ra là một phần trong một “cuộc phản công khéo léo” và thái độ này không có nhiều thực chất giống như các hàng tít lớn trên mặt báo cho thấy.

Thông tấn xã Yonghap của Nam Triều Tiên trích thuật lời một giới chức cao cấp tại Seoul nói rằng, hội nghị thượng đỉnh Nga-Bắc Triều Tiên không có đạt mức kỳ vọng, và Bình Nhưỡng cần phải giải quyết vấn đề tinh chế uranium.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG