Đường dẫn truy cập

Trao đổi thương mại Nga-Mỹ bị ảnh hưởng bởi Jackson-Vanik


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (phải) nói chuyện với Thượng nghị sĩ Patty Murray (trái) và Thượng nghị sĩ Max Baucus
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (phải) nói chuyện với Thượng nghị sĩ Patty Murray (trái) và Thượng nghị sĩ Max Baucus

Giống như Việt Nam trước đây, một luật đã có từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh có thể cản trở trao đổi thương mại giữa Hoa Kỳ và Nga.

Luật này, đúng ra là tu chính án Jackson-Vanik, xuất phát từ Bộ Luật Thương mại Hoa Kỳ năm 1974 nhằm điều tiết buôn bán giữa Hoa Kỳ và các nước do đảng cộng sản kiểm soát.

Dựa theo tu chính án này, Hoa Kỳ không được buôn bán bình thường với nước nào không cho công dân của mình được toàn quyền di cư sang nước khác. Lúc bấy giờ, Liên xô nghiêm cấm chuyện di cư.

Thượng nghị sĩ Max Baucus, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng Viện cho biết:

“Jackson-Vanik giúp hàng triệu người Do Thái ở Nga di cư sang nước khác nhưng vấn đề này bây giờ thuộc về quá khứ. Tổng thống Mỹ nào cũng tạm hoãn thi hành luật này với Nga trong vòng 20 năm qua.”

Chính quyền Obama đồng ý đã đến lúc phải dẹp bỏ luật này để mở đường cho các công ty Mỹ tiến vào Nga, vào lúc Nga có thể gia nhập WTO trong năm nay.

WTO đã đồng ý chấp nhận Nga làm thành viên thực thụ hồi năm ngoái, và người ta trông đợi Nga sẽ phê chuẩn nó trước tháng 7.

Với tư cách thành viên WTO, Nga sẽ phải sửa đổi luật lệ thương mại và kinh tế cho phù hợp với các chuẩn quốc tế.

Thâm hụt thương mại Mỹ-Nga
Thâm hụt thương mại Mỹ-Nga

Anders Aslund, chuyên viên về Nga tại học viện Peterson ở Washington đưa ra 3 lý do cần rút lại luật này đối với Nga:

“Thứ nhất, bây giờ không còn Liên-xô, đối tượng của luật này nữa. Thứ hai, vấn đề di cư bây giờ không còn quan trọng nữa. Thứ ba, nếu không rút lại, hàng hóa Nga nhập vào Mỹ có thể tăng giá 50%, coi như chấm dứt chuyện xuất khẩu của Nga sang Mỹ. Hàng hóa của Mỹ xuất sang Nga cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.”

Trong lúc các thương gia Mỹ theo dõi sát vụ này, các chính trị gia Mỹ có người không đồng ý hủy bỏ, giống như Thượng nghị sĩ John Kyl:

“Dù di cư không còn là vấn đề lớn, việc Nga vi phạm nhân quyền và coi thường luật pháp vẫn còn là vấn đề hợp thời, giống như mấy chục năm trước đây. Không thể tách rời nhân quyền trong khi đàm phán kinh tế với Nga. Trong những tháng gần đây, Nga chẳng những cản trở hành động của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về Syria, mà còn bán vũ khí cho nước này để giết hại người vô tội. Đây không phải là một chính quyền có thể tin tưởng đến mức sẽ thực thi đầy đủ các cam kết quốc tế hoặc sẽ đối xử công bằng với doanh nghiệp Mỹ.”

Thượng nghị sĩ Kyl kết luận chưa cần rút lại tu chính án Jackson-Vanik trong lúc này, nếu muốn rút thì cần phải duyệt lại một cách thấu đáo quan hệ Nga-Mỹ trước đã.

VOA Express

XS
SM
MD
LG