Đường dẫn truy cập

Mỹ yêu cầu Nam Triều Tiên cắt giảm lượng dầu nhập từ Iran


Các nhà hoạt động biểu tình phản đối các biện pháp chế tài Iran trước Bộ ngoại giao Nam Triều Tiên ở Seoul, ngày 17/1/2012
Các nhà hoạt động biểu tình phản đối các biện pháp chế tài Iran trước Bộ ngoại giao Nam Triều Tiên ở Seoul, ngày 17/1/2012

Quốc gia nhập khẩu dầu nhiều hàng thứ năm trên thế giới là Nam Triều Tiên nói rằng cần phải thảo luận thêm trước khi có thể đi đến quyết định về việc cắt giảm lượng dầu thô nhập của Iran. Hoa Kỳ hy vọng nước đồng minh này sẽ tham gia chiến dịch chế tài nhắm mục đích làm áp lực buộc Iran phải hạn chế chương trình hạt nhân của họ. Từ Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.

Chính phủ Nam Triều Tiên nhận thấy mình đứng trước một vấn đề nan giải về vụ Iran.

Vào lúc một cuộc họp được xúc tiến hôm nay với các giới chức Mỹ ở Seoul, Thứ trưởng Ngoại giao Nam Triều Tiên Kim Jae-shin tuyên bố Seoul có cùng một mối quan ngại ngày càng gia tăng như Washington về việc phát triển hạt nhân của Iran.

Ông Kim nói: “Tình hình mới đây liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran đã trở nên tệ hại hơn kể từ cuộc họp kỳ trước của chúng tôi. Nhưng tôi xin cam đoan với quý vị một lần nữa rằng chính phủ Nam Triều Tiên có cam kết vững chắc ủng hộ và tham gia các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết vấn đề này.”

Nhưng ông Kim cũng khẳng định rõ rằng biện pháp cứng rắn hơn gây tranh cãi ở Nam Triều Tiên.

Ông Kim nói tiếp: “Nhiều người Triều Tiên rất lấy làm lo ngại rằng tăng cường các biện pháp chế tài Iran vào thời điểm này có thể gây mất ổn định thị trường dầu thô quốc tế và do đó gây ảnh hưởng bất lợi cho nền kinh tế Nam Triều Tiên.”

Cố vấn đặc biệt của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách vấn đề cấm phổ biến và kiểm soát vũ khí, ông Robert Einhorn, lãnh đạo phái đoàn Mỹ đến Seoul. Ông Einhorn cho rằng các biện pháp chế tài Iran cũng sẽ gửi một thông điệp cho Bắc Triều Tiên, nước cũng đang theo đuổi các chương trình hạt nhân bất chấp các thỏa thuận quốc tế.

Ông Einhorn cho biết: “Chính phủ Nam Triều Tiên là một tham dự viên quốc tế trong vấn đề này. Chính phủ biết rằng các tình hình ở Iran và ở Bắc Triều Tiên có liên hệ với nhau. Tôi nghĩ tiến bộ về phía nọ sẽ giúp chúng ta đạt được tiến bộ về phía kia.”

Hai nước Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao và trên nguyên tắc vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh sau 3 năm giao tranh gây tàn phá vào đầu thập niên 1950. Hoa Kỳ vẫn giữ hơn 28 ngàn binh sĩ ở Nam Triều Tiên để giúp nước này phòng vệ.

Nhưng Nam Triều Tiên lệ thuộc vào nhập khẩu toàn bộ dầu thô của mình và 250.000 thùng mỗi ngày là do Iran cung cấp.

Phái đoàn Hoa Kỳ sau đó sẽ đi thăm Tokyo để làm áp lực tương tự đối với một đồng minh kinh tế và quân sự chủ chốt khác trong vùng.

Cũng lệ thuộc nặng vào dầu thô nhập khẩu, Nhật Bản đã gửi các tín hiệu trái ngược nhau về việc liệu có ủng hộ các biện pháp chế tài Iran thêm hay không.

Các biện pháp này nhắm mục đích làm áp lực Tehran phải tham gia các cuộc thương nghị nghiêm túc về chương trình hạt nhân của họ. Một số quốc gia tin rằng Iran đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân. Nước Cộng hòa Hồi giáo này khẳng định rằng công cuộc phát triển hạt nhân của họ nhằm các mục đích hòa bình, chứ không phải nhằm chế tạo bom.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG