Đường dẫn truy cập

Vụ thủ tướng Anh bị cảnh sát phạt và vì sao phải luôn nghi ngờ lãnh đạo


Thủ tướng Anh Boris Johnson bị cảnh sát phạt tiền vì vi phạm quy định giãn cách trong năm Covid thứ nhất 2020.
Thủ tướng Anh Boris Johnson bị cảnh sát phạt tiền vì vi phạm quy định giãn cách trong năm Covid thứ nhất 2020.

Trước khi bị phạt tiền vì vi phạm quy định giãn cách, Bộ trưởng Tài chính cũng đã bị nhiều chỉ trích vì khi đã là bộ trưởng rồi ông vẫn giữ thẻ xanh ở Hoa Kỳ và thậm chí vẫn khai thuế theo thẻ đó.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bị cảnh sát phạt tiền vì vi phạm quy định giãn cách trong năm Covid thứ nhất 2020.

Cuộc điều tra của cảnh sát đã kết luận rằng cuộc tụ họp của ông Johnson cùng Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak cũng như phu nhân của ông Johnson hôm 19/6/2020 giữa lúc cả nước phải giãn cách đã vi phạm quy định Covid mà chính ông thủ tướng đề ra. Hôm đó là ngày ông Johnson bước sang tuổi 56 và phu nhân của ông đã bước vào phòng họp với chiếc bánh sinh nhật mà ông thủ tướng nói không ai động tới trong cuộc gặp kéo dài chừng 10 phút.

Vợ thủ tướng, bà Carrie Johnson, cũng bị phạt tiền 50 bảng Anh như phu quân của bà, ông bộ trưởng tài chính và một số người khác.

Lãnh đạo đảng Lao động, đảng đối lập với Đảng Bảo thủ của ông Johnson, đã tuyên bố hành động của ông thủ tướng là “cái tát” vào mặt những người tuân thủ luật pháp chặt chẽ.

Ông Keir Starmer nói: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có một Thủ tướng bị kết tội phạm luật vào lúc mà Anh quốc có những hy sinh không thể tưởng tượng nổi. Sau đó còn nói dối nữa. Boris Johnson và Rishi Sunak đã làm ô uế vị trí của họ. Họ phải từ chức.”

Cả ông thủ tướng và vị bộ trưởng nắm hầu bao quốc gia đều nhiều lần tuyên bố họ không vi phạm quy định Covid. Ngay cả khi đã bị cảnh sát phạt, ông Johnson vẫn nói ông không nghĩ rằng mình đã phạm luật vào lúc diễn ra cuộc gặp. Tại thời điểm đó không ai được tiếp xúc với người không cùng hộ gia đình hoặc trong cụm được coi như gia đình.

Có người đã mỉa mai rằng nếu ông Johnson không biết là ông vi phạm quy định do chính ông đề ra thì làm sao tin tưởng ông cầm lái trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Quan chức cao cấp của Tổ chức Cải cách Âu châu, ông Ian Bond viết: “[Tôi] hiếm khi viết [trên Twitter] về chính trị đảng phái của Anh hay viết khi tôi đang bực tức. [Nhưng tôi] sẽ phá cả hai lệ này… Tôi ít khi được gặp mẹ trước khi bà mất vào tháng Một năm 2021 vì tôi tuân thủ luật. Luật không thể chỉ để cho những thường dân. Thủ tướng phải nghỉ việc, ngay bây giờ.”

Rất nhiều người khác cũng có quan điểm tương tự. Chỉ trong chưa đầy 24 tiếng, thỉnh nguyện thư kêu gọi ông thủ tướng từ chức đã thu được trên một phần tư triệu chữ ký.

Chủ nhân của thỉnh nguyện thư, ông Matthew Tovey, viết: “Vào lúc Số 10 [Phố Downing – Phủ Thủ tướng] đang tiệc tùng trong vườn, tôi phải làm ca 12 giờ trong hệ thống y tế quốc gia – vận nguyên cả bộ bảo hộ - hành lang bệnh viện đã bắt đầu giống bãi chiến trường.”

Nhiều người ký tên cũng chia sẻ cảm nghĩ của họ.

Lorraine Easey viết: “Làm sao tin họ được… dối trước nối dối sau, chúng ta phải chịu quy định riêng còn họ lại có quy định hoàn toàn khác! Nữ hoàng đã tuân thủ luật lệ [hạn chế số người dự tang lễ phu quân của bà hồi giữa năm 2020]. Thế quái nào mà lũ ngốc này lại được miễn trừ khỏi quy định do chính họ đề ra. Vô cùng ghê tởm.”

David Lowther viết: “Tôi ký tên vì tôi để tang mẹ tôi MỘT MÌNH bất chấp khao khát được an ủi tuyệt vọng của tôi trong lúc những kẻ ghê tởm này tiệc tùng.”

Khi tôi ký tên vào cuối ngày thứ Tư, một ngày sau khi thủ tướng và bộ trưởng tài chính bị phạt, số người ủng hộ thỉnh nguyện thư đã lên trên 350.000. Giáng Sinh năm 2020 tôi đã không được gặp hai cháu lớn do hai cháu sống với mẹ và như vậy không cùng hộ gia đình với tôi. Tôi đành gửi quà Giáng Sinh cho các cháu và các cháu cũng lại gửi quà cho tôi.

Chính Đảng Bảo thủ của ông Johnson hồi tháng Một cũng bất bình khi chi tiết về các buổi tiệc tùng tại phủ thủ tướng lộ ra. Khi đó nhiều người đòi ông từ chức. Do hiện cuộc chiến Nga – Ukraine đang diễn ra nên nhiều người đổi ý, không muốn có thay đổi gì vào lúc này.

Chuyện ông thủ tướng phạm luật rồi nhiều lần nói như đúng rồi rằng ông luôn tuân theo quy định cho thấy những gì các chính trị ra tuyên bố đều phải được kiểm chứng. Nói sai và nói quá không phải là điều hiếm thấy trong chính trường.

Trước khi bị phạt tiền vì vi phạm quy định giãn cách, Bộ trưởng Tài chính cũng đã bị nhiều chỉ trích vì khi đã là bộ trưởng rồi ông vẫn giữ thẻ xanh ở Hoa Kỳ và thậm chí vẫn khai thuế theo thẻ đó. Vợ ông bộ trưởng cũng bị lên án vì ở Anh mà lại lấy tư cách công dân Ấn Độ để đóng thuế bớt đi nhiều triệu đô la mỗi năm và trong tương lai sẽ trốn được thuế thừa kế hàng trăm triệu đô la khi để tiền của lại cho các con vào lúc cuối đời.

Với những diễn biến trong vài tuần qua, tương lai của cả ông thủ tướng lẫn ông bộ trưởng tài chính, vốn từng được dự đoán sẽ là thủ tướng tương lai, nhìn có vẻ ảm đạm. Chuyện các ông rời chính trường có lẽ chỉ là vấn đề thời gian.

Còn bài học cho chúng ta là chính trị gia nói hãy để họ nghe; nhiệm vụ của chúng ta là đi tìm các nguồn và bằng chứng để có thể tin họ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG