Đường dẫn truy cập

Vận động viên Ethiopia lo lắng cho mạng sống hậu Olympic Rio 


Feyisa Lilesa bắt chéo tay trên đầu với bàn tay nắm chặt hình quả đấm, biểu tượng của các cuộc biểu tình ở khắp khu vực Oromia tại Ethiopia, sau khi chạm đích trong cuộc đua marathon tại Olympic Rio ngày 21/8/2016.
Feyisa Lilesa bắt chéo tay trên đầu với bàn tay nắm chặt hình quả đấm, biểu tượng của các cuộc biểu tình ở khắp khu vực Oromia tại Ethiopia, sau khi chạm đích trong cuộc đua marathon tại Olympic Rio ngày 21/8/2016.

Khi vận động viên Feyisa Lilesa của Ethiopia chạm đích trong cuộc đua marathon tại Olympic Rio hôm Chủ Nhật, 21/8, anh đã bắt chéo tay trên đầu với bàn tay nắm chặt hình quả đấm, một biểu tượng của các cuộc biểu tình ở khắp khu vực Oromia tại Ethiopia.

Phát biểu với các nhà báo sau cuộc đua, Lilesa, người đoạt huy chương bạc trong sự kiện này, cho biết hiện anh đang lo lắng cho mạng sống của mình và anh có thể bị tống vào tù nếu trở về quê nhà.

Anh nói: “Nếu tôi trở về Ethiopia, họ có thể sẽ giết tôi. Nếu không giết tôi, họ sẽ tống tôi vào tù. Tôi vẫn chưa quyết định, nhưng có lẽ tôi sẽ đi sang nước khác”.

Lilesa không phải là người đầu tiên sử dụng đấu trường thể thao lớn nhất thế giới để gửi một thông điệp chính trị. Một số người đã so sánh cử chỉ của anh với điều mà vận động viên chạy nước rút người Mỹ gốc Phi Tommie Smith và John Carlos đã làm ở năm 1968 tại Thế vận hội ở thành phố Mexico, khi họ giơ bàn tay nắm chặt trên bục nhận giải thưởng, đeo găng tay màu đen để thể hiện tình đoàn kết với phong trào “Black Power” (Quyền lực đen) ở thập niên 60 và 70, nhất là tại Mỹ.

Một số người cho rằng cử chỉ trên vi phạm Hiến chương Olympic cấm bất kỳ “loại hình biểu đạt hoặc tuyên truyền chính trị, tôn giáo hay chủng tộc” ở các địa điểm tranh tài Olympic. Smith và Carlos đã bị đình chỉ vì cử chỉ của họ, nhưng Lilesa đã nhận được huy chương mà không gặp trục trặc nào.

Bộ trưởng thông tin của Ethiopia đã gọi Lilesa là một anh hùng và không đề cập gì đến sự phản đối của anh trong một lời chúc mừng các vận động viên Ethiopia đăng trên Twitter hôm Chủ nhật.

Lilesa không phải là vận động viên Ethiopia đầu tiên tìm kiếm sự bảo vệ vì các vấn đề chính trị. Một trong những vận động viên tranh tài tại Rio với tư cách là một người tị nạn không quốc gia, Yona Kinde, vận động viên marathon cũng đến từ Ethiopia, cũng đã yêu cầu được giúp đỡ. Anh nói việc quay trở lại Ethiopia sẽ gây nguy hiểm và đe dọa mạng sống của anh.

Bốn vận động viên Ethiopia khác cũng đã đào thoát sau chuyến đi tham gia Giải Vô địch Junior Thế giới năm 2014 tại Eugene, bang Oregon, Mỹ và xin tị nạn.

Cử chỉ của Lilesa diễn ra sau một tuần biểu tình ở thành phố Gonder, bao gồm các cuộc đụng độ chết người giữa người biểu tình và lực lượng an ninh Ethiopia. Các cuộc biểu tình khác bắt đầu vào tháng 11 năm ngoái trong khu vực Oromia lại nổi lên vào đầu tháng Tám trên cả nước, tập trung chủ yếu ở các nhóm sắc tộc Oromo và Amhara, hiện đang đòi cải cách quản trị và tăng quyền tự trị ra khỏi chính quyền liên bang Ethiopia.

XS
SM
MD
LG