Đường dẫn truy cập

Về những mái chùa


Về những mái chùa
Về những mái chùa

Viết nhân Mùa Phật Đản

Trong một tùy bút viết trước 75, nhà văn Võ Phiến có đưa ra nhận xét ngộ nghĩnh, vui vui về chuyện du lịch của đồng bào ta ở miệt Nam bộ. Sau khi đi tham quan vài ngọn núi ở tỉnh Châu Đốc, ông bảo những danh lam thắng cảnh, những chỗ non nước hữu tình, nếu muốn thu hút du khách cho đông đảo thì nên xây dựng nhiều . . . chùa. Nơi có cảnh đẹp mà không có chùa chiền thì cũng sẽ vắng bóng du khách như . . .chùa Bà Đanh thôi. Bằng chứng trước mắt, ông bảo tiếp, là núi Ba Thê và núi Sam. Cảnh sắc thiên nhiên bên núi Ba Thê cũng đẹp đẽ chẳng kém bất cứ nơi nào khác, gần đó lại có gò Óc Eo, một di tích lịch sử và khảo cổ quan trọng của miền đất này, nhưng hình như chẳng có mấy du khách cất công lên núi tham quan. Còn bên núi Sam? Trời! Ông bảo, người đâu mà vô số kể, nhất là vào những ngày rằm, hay lễ Tết. Núi Sam đông người lên thăm bởi nơi đấy có rất nhiều chùa, am, miếu. Liên tiếp san sát nhau trên đường từ chân lên đỉnh núi, cứ cách một quãng lại có một mái chùa hay cái miễu, cái am nho nhỏ nào đó.

Ngót nghét bốn mươi năm trôi qua từ ngày Võ Phiến viết bài tùy bút. Tôi không rõ bây giờ núi Ba Thê ra sao, núi Sam ra sao, có còn như xưa không, tượng Bà Chúa Xứ vẫn uy nghi, sáng ngời, chung quanh vẫn khói hương nghi ngút, khách thập phương tấp nập ra vào lễ bái? Hay là . . .

Dân Nam bộ tìm núi non có chùa để du ngoạn, hay việc lễ bái mới là chuyện chính, cảnh đẹp chung quanh chỉ là bức phông thiên nhiên làm tăng thêm vẻ tiêu tao, trầm mặc của cảnh chùa? Tôi tự hỏi như thế. Nhưng dù sao chăng nữa đây cũng là điểm đáng chú ý cho các nhà kinh doanh có ý định thành lập, mở mang các khu du lịch.

Đi lễ chùa. Hình ảnh mang nhiều nét thơ mộng của thơ ca. Cụ Chu Mạnh Trinh sau khi lên thăm chùa Hương đã cảm khái thốt lên:

Bầu trời, cảnh bụt,
Thú Hương sơn, ao ước bấy lâu nay.

Hay, đi lễ chùa để mơ tưởng đến tâm hồn thơ ngây, ngọt ngào, chan chứa cảm xúc của cô gái thanh xuân, chân theo mẹ đi lễ chùa mà lòng thì không ngớt vương vấn mối tơ tình chớm nở với chàng thư sinh tuấn tú đi gần bên, trong thơ Nguyễn Nhược Pháp.

Hay, gần gũi với tôi hơn, lên chùa để bắt chước Phạm Thiên Thư tìm một Vết Chim Bay:

Ngày xưa anh đón em,
Nơi gác chuông chùa nọ.
Con chim nào qua đó,
Còn để dấu chân in . . .

Thơ mộng quá! “Phạm Thiên Thư” quá! Đi lễ chùa kiểu này, tôi có thể đi mỗi ngày.

*

Sự thật là tôi ít khi đi chùa. Thuở tôi còn bé, nhà tôi ở Đà Lạt. Vào những ngày rằm mẹ tôi hay dẫn tôi lên chùa Linh Sơn lễ Phật. Bà dạy tôi cách quỳ lạy, chắp tay khấn vái. Vào đến chính điện, tìm được chỗ trống, bà bảo tôi, “Con quỳ xuống đây rồi chắp tay lạy Phật, xin Phật phù hộ độ trì cho gia đình mình tai qua nạn khỏi, chị em học hành thông minh tấn tới, bố mẹ buôn may bán đắt, con nhé.” Tôi làm theo lời bà, nét mặt đầy vẻ thành tâm, kính cẩn, lạy lấy lạy để. Nhưng chỉ được năm phút, đợi lúc bà bận xì xụp vái lạy, không để ý, tôi chạy tọt ra ngoài sân tìm lũ trẻ đồng trang lứa rồi cứ thế vừa chạy vừa la hét gọi nhau ầm ĩ giữa những cội thông già cao vút quanh chùa. Chạy chơi chán, chúng tôi đi bắt chim, lẻn vào am sau ăn cắp xôi oản trên bàn thờ, hơn một lần tôi bị sư cô bắt quả tang, bị nhéo tai đau điếng. Đấy là những kỉ niệm đẹp của tuổi thơ tôi.

Sau này khi lớn khôn, nhớ lại những câu khấn mẹ tôi dạy trong chùa, tôi không khỏi bất giác mỉm cười. Giáo lí đạo Phật, có lẽ tầm hiểu biết của tôi thuộc hạng tiền sơ cấp, nhưng đại khái tôi cũng biết những gì mẹ tôi dạy tôi khấn vái trong chùa đều đi ngược lại với giáo lí ấy. Phật bảo đời là bể khổ, là sinh lão bệnh tử, thì mẹ tôi xin Phật cho “tai qua nạn khỏi”; Phật bảo muốn lên Niết Bàn, hãy diệt dục thì mẹ tôi xin Phật cho “làm nhiều tiền” và ngày Tết xin xăm thì van vái Phật Bà Quan Âm, xin Phật Bà cho “tài lộc dồi dào, tiền vào như nước.” Vân vân và vân vân.

Nhưng tại sao tôi lại mỉm cười mỗi khi nhớ đến kỉ niệm ấy? Tôi mỉm cười bởi tôi thấy nó dễ thương hết sức và càng nghĩ tôi càng thấy thương mẹ tôi hơn.

*

Trước khi biết đến đạo Phật, người Việt—hay đúng hơn, người Lạc—cổ thời có lẽ đã có ít nhiều khái niệm về tín ngưỡng.

Theo những nhận định mới trong ngành Khảo cổ học Việt Nam thì con người đã có mặt rải rác khắp các miền Hoà Bình, Lạng Sơn, Phú Thọ, Nghệ An, Thanh Hoá . . . từ thời Đá Mới, tức là cách nay hai, ba chục nghìn năm. Trong khi đó học giả Nguyễn Khắc Ngữ trong cuốn “Nguồn gốc dân tộc Việt Nam” thì bảo dân tộc Việt Nam là từ dân Melanesia ở Nam Thái Bình Dương mà ra. Dân Melanesia là một trong những sắc dân mà trong ngành Khảo cổ có cái tên gọi chung là các “tộc Lapita.” Họ cực kì tài giỏi trong nghề đi biển. Từ nhiều nghìn năm trước, họ đã chinh phục toàn vùng nam Thái Bình Dương, một hải vực mênh mông dài rộng cả triệu dặm vuông. Thậm chí họ còn sang tìm đất tận đảo Easter gần Nam Mĩ châu. Với tài đi biển như thế, chẳng có gì ngăn cản một buổi sáng đẹp trời họ dong thuyền lừ lừ tiến vào vịnh Hạ Long hay một vùng duyên hải nào đó gần cửa bể sông Hồng rồi đổ bộ lên bờ thám hiểm đất đai, tìm thực phẩm, bởi lúc đó cụm từ “illegal aliens” chưa xuất hiện trong bộ từ vựng của loài người. Và tại nơi đó chắc chắn họ phải đụng đầu với những sắc dân đã có mặt từ trước. Với những cuộc gặp gỡ như thế, ban đầu phải có những vụ vác gậy gộc choảng nhau đến bươu đầu sứt trán. Nhưng đánh nhau mãi đến chán rồi mà vẫn không bên nào diệt hẳn được bên nào, hai bên đành gượng gạo nén giận tạm thời hoà hoãn với nhau để mạnh ai nấy sống. Thế rồi, vài thế hệ trôi qua, hận thù cũ dần dà nguôi ngoai phai nhạt, lòng kì thị ghét bỏ nhau cũng bớt đi, thấy kẻ địch cũng có nhiều điều hay ho, hữu ích, có thể cải thiện cuộc sống. Cái gì, thằng mọi xâm mình như con thuồng luồng suốt ngày lặn dưới biển bắt cá mà cũng biết đúc trống đồng à! Hử, thằng mán cà răng căng tai đó mà cũng biết làm nỏ bắn nai sao? Hai bên bèn đề nghị sống chung hoà bình, trao đổi hết văn hoá đá mới đến văn hoá đồng thau. Rồi trai bên này chẩu môi nhìn gái bên kia, gái bên kia liếc tình trai bên nọ, và một hôm ông Lạc Long Quân nào đó của phe đi biển trở thành chồng bà Âu Cơ của phe trên núi. Thế là dân Lạc ra đời. Ở vào cái thời hồng hoang đó, kẻ nào bảo không có ái tình, tôi sẽ cãi đến cùng. Dân Lạc ra đời là kết quả một cuộc tình có thể éo le chẳng kém gì chuyện tình Romeo và Juliet.

Các di chỉ và di cốt khai quật được cho thấy dân Lạc, dân Lapita cũng như các nhóm dân khác ở vùng Đông Á châu, từ thời tiền sử tối cổ đại đã có đời sống tinh thần khá cao. Các nhà Khảo cổ học bảo thế. Họ cũng bảo các dân tộc này có tục thờ cúng tổ tiên. Người chết được chôn cất kĩ lưỡng, xác bó chặt, xương sọ và nhiều khúc xương khác được chăm chút tô điểm bằng một loại phẩm màu đỏ như màu thổ hoàng. Phong tục thờ cúng ông bà, cha mẹ là tín ngưỡng của dân Lạc vào thời ấy, truyền đến tận ngày nay và không có dấu hiệu gì chứng tỏ nó phai mờ trong tâm tư người Việt, dẫu đấy là người li hương sống lang bạt kì hồ tận chân trời góc bể. Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng, một tín ngưỡng sinh tồn, tiêu biểu cho quan niệm phồn thực rất điển hình trong cuộc sống các sắc dân tiền sử. Bởi thờ cúng ông bà là cầu xin vong linh ông bà phù hộ trong cuộc sống bình nhật để con cháu sinh tồn trong những điều kiện ngặt nghèo. (Nghề đi biển, thậm chí ngày nay, vẫn là một trong những lao động nguy hiểm, dễ chết nhất). Tín ngưỡng đó thấm đẫm vào tâm hồn người Việt, và mẹ tôi, một cách rất vô tư và thành kính, chắp tay xin Đức Phật cho bà “buôn may bán đắt để có tiền nuôi con.”

Tôi biết Đức Phật từ bi ngồi tĩnh toạ trên toà sen, miệng khẽ mỉm cười, hiểu bà hơn ai hết. [TYT]

XS
SM
MD
LG