Đường dẫn truy cập

Việt Nam dự kiến làm lễ cầu siêu cho nạn nhân Covid-19


Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua nhiều căng thẳng trong đợt bùng phát dịch Covid-19
Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua nhiều căng thẳng trong đợt bùng phát dịch Covid-19

Một buổi lễ cầu siêu cho hơn 22.000 người đã tử vong vì đại dịch Covid-19 ở Việt Nam sẽ được tổ chức theo nghi thức Phật giáo vào ngày 18/11 để an ủi vong linh người đã mất và giúp nguôi ngoai nỗi đau mất mát của người ở lại, theo tìm hiểu của VOA.

Hiện nay, sau vài tuần tạm lắng, dịch bệnh đang có dấu hiệu bùng phát trở lại ở Việt Nam. Trong ngày 5/11, Việt Nam ghi nhận 7.500 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ khi quốc gia này chuyển sang trạng thái ‘thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh’.

Lễ cầu siêu này sẽ do Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự, Quận 10, vào ngày 18/11 tới, tức ngày 14/10 năm Tân Sửu, trang mạng VnExpress dẫn lời Thượng tọa Thích Quảng Chơn, một chức sắc của Ban Trị sự Giáo hội Thành phố, cho biết.

Buổi lễ cầu siêu này sẽ có sự tham dự của lãnh đạo thành phố. Sau phần lễ, chư tăng sẽ đọc kinh và cúng giác linh cho các nạn nhân Covid-19, theo lời vị thượng tọa này.

Trong thời gian cầu siêu, các chùa và tự viện trên toàn thành phố sẽ ‘đồng loạt cử hành trì tụng kinh hồi hướng đồng bào tử vong vì Covid-19 được vãng sinh về cõi lành, cầu nguyện quốc thái dân an, bệnh dịch sớm tiêu trừ’.

Mặc dù thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện bình thường mới, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp trở lại hiện chưa rõ buổi lễ cầu siêu này có cho phép Phật tử và thân nhân của người mất vì Covid-19 được tham gia đông đảo hay không.

Theo thống kê đến ngày 5/11, cả nước có hơn 22.300 người chết vì Covid-19, trong đó thành phố Hồ Chí Minh chiếm đến hơn 74% với hơn 16.600 chết. Các nạn nhân qua đời vì Covid đều được đưa đi hỏa thiêu ngay, sau đó tro cốt được bàn giao cho gia đình mà không được tổ chức đám tang đàng hoàng với sự đưa tiễn của người thân.

Trước đó, việc tổ chức lễ cầu siêu này đã được Ban trị sự Giáo hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh thông qua hôm 28/10, theo báo Thanh niên. Theo đó, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Trưởng Ban Trị sự, đã giao cho Ban Nghi lễ chuẩn bị kế hoạch cụ thể tổ chức lễ cầu siêu.

Đây cũng là chủ trương của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Hồi giữa tháng 10, tờ Tuổi Trẻ đưa tin Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết Thành ủy thống nhất với đề xuất của Ủy ban Nhân dân thành phố nghiên cứu đề xuất hình thức phù hợp để tổ chức lễ cầu siêu cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã mất trong đại dịch.

‘Vơi bớt nỗi đau’

Trao đổi với VOA, Thượng tọa Thích Nhật Từ, phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, nói trong thời gian lễ cầu siêu, các chùa trên toàn thành phố sẽ hưởng ứng bằng cách ‘gióng 18 tiếng hồng chung’.

Do ‘có nhiều sơn môn pháp phái khác nhau’ nên sau đó từng chùa sẽ tổ chức tụng kinh cầu siêu theo nghi thức của riêng mình, cũng theo lời vị thượng tọa này. Kể từ tháng 7 đến nay, ‘chùa nào trong các thời khóa tụng kinh vào lúc 4h sáng và 7h tối mỗi ngày đều có cầu siêu cho các nạn nhân Covid’, ông cho biết.

Giải thích về ý nghĩa của lễ cầu siêu, Thượng tọa Thích Nhật Từ nói: “Về mặt dân gian, đây là hình thức tưởng niệm người ra đi”.

“Còn dưới góc nhìn Phật giáo, lễ cầu siêu này muốn nhắc đến ý nghĩa vô thường-vô ngã. Vô thường vì đây coi như là để khai tử người đã mất khỏi các mối quan hệ gia đình, xã hội, còn vô ngã là ý nói một khi đã ra đi thì không còn dính mắc gì đến tài sản, của cải hay vợ chồng con cái nữa”, ông nói.

Đối với người ở lại, lễ cầu siêu này là ‘để an ủi cho họ vơi bớt nỗi khổ niềm đau, sự quyến luyến, sự thương tiếc được tháo mở’, cũng theo lời vị thượng tọa.

Ông nói ông thấu cảm ‘nỗi đau khôn tả’, ‘nỗi ức chế tâm lý’ của những gia đình có người thân mất vì Covid-19 khi không được bên cạnh người thân những giờ phút cuối cùng cũng như không được tổ chức tang lễ tiễn biệt đàng hoàng, nhưng ông khuyên họ đừng quá khổ đau.

“Sống trăm năm mà không hiểu lẽ vô thường cũng không bằng sống một ngày mà hiểu được”, ông nói và cho biết lễ cầu siêu là cơ hội để các thân nhân nghiệm lại ‘sống bao lâu không bằng sống có giá trị như thế nào’.

Ông khuyên nếu không đến chùa dự được lễ cầu siêu trực diện do dịch bệnh, các thân nhân có thể ở nhà mở mạng lên theo dõi. “Thân tâm hướng về người ra đi trong buổi lễ cầu siêu thì tình cảm thương tiếc cũng được trọn vẹn”, ông nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG