Đường dẫn truy cập

Việt Nam ‘chấn chỉnh’ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sau các vụ đại án


Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tại một lễ ký thỏa thuận hợp tác hồi tháng 7/2020. Cả ông Dũng và ông Quyết đều mới bị bắt giam để điều tra lần lược các tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "thao túng thị trường chứng khoán."
Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tại một lễ ký thỏa thuận hợp tác hồi tháng 7/2020. Cả ông Dũng và ông Quyết đều mới bị bắt giam để điều tra lần lược các tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "thao túng thị trường chứng khoán."

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ra lệnh cho các cơ quan nhà nước tăng cường các hoạt động giám sát đối với các hành vi trái pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong khi Bộ Tài chính cam kết trừng phạt mạnh tay các hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Chỉ thị của thủ tướng Chính phủ và cam kết của Bộ Tài chính được đưa ra không lâu sau khi Bộ Công an Việt Nam bắt giữ Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Đỗ Anh Dũng, và Chủ tịch Tập đoàn FLC, Trịnh Văn Quyết, để điều tra với các cáo buộc lần lượt là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “thao túng thị trường chứng khoán.”

Công điện 304 của Thủ tướng Chính phủ, được ban hành hôm 7/4 chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan xác minh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phát hành, đầu tư và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp cũng như theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ đồng thời thanh tra, kiểm tra và giám sát các hoạt động này.

Theo công điện được Báo Chính phủ đăng tải, trong thời gian qua “hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp có những vi phạm pháp luật và đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro.”

Vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức có liên quan bị Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an khởi tố hôm 5/4 để điều tra nhằm “xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạp pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.”

Tập đoàn Tân Hoàng Minh của ông Dũng hồi cuối năm ngoái thắng phiên đấu giá một lô đất ở Thủ Thiêm, được coi là khu đất “vàng”, với giá 24.500 tỷ đồng – cao gấp 8,3 lần giá chào, nhưng ngay sau đó xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất, có giá 2,4 tỷ đồng một m2, này. Theo truyền thông trong nước, lô đất có sự cạnh tranh khá căng thẳng khi mất đến 70 lượt trả giá mới tìm được nhà đầu tư thắng cuộc.

Việc Tân Hoàng Minh tham gia đấu giá rồi “bỏ cọc” lô đất Thủ Thiêm diễn ra trong thời gian tập đoàn này huy động các đợt chào bán trái phiếu. Theo điều tra của Bộ Công an được Tuổi Trẻ trích dẫn, 9 đợt chào bán trái phiếu của 3 công ty thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh, sau này bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ, “có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.”

Tại Việt Nam, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng.

Theo truyền thông trong nước, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc hồi tháng 1 nhận định rằng “vụ việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình của việc làm nhiễu loạn thị trường.”

Hơn hai tháng sau đó, ông Quyết, chủ tịch tập đoàn bất động sản FLC, bị bắt vì “thao túng thị trường chứng khoán” cũng như “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.

Ông Quyết, cũng là chủ tịch hãng hàng không tư nhân Bamboo Airways, hồi đầu tháng 1 đã bán đi gần 75 triệu cổ phiếu nhưng không báo cáo cũng như không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch. Hành động “bán chui” của ông Quyết đã gây sốc cho thị trường và tạo ra làn sóng bất bình trong dư luận. Nhà chức trách sau đó trong tháng phạt ông Quyết 1,5 tỷ đồng và cấm ông không được giao dịch trong 5 tháng.

Một đại diện của Bộ Tài chính hôm 5/4 cho biết rằng những vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua là “những sự việc rất đáng tiếc,” theo Báo Tin Tức của TTXVN. Bộ Tài chính cho rằng những vi phạm đó không phải là phổ biến và “cá nhân nào làm thì cá nhân đó chịu trách nhiệm trước pháp luật.” Theo TTXVN, Bộ Tài chính cam kết phối hợp với các cơ quan để xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí “xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin, bài không đúng quy định, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và ổn định thị trường tài chính” ở Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG