Đường dẫn truy cập

Nhà nước độc Đảng chống ‘giặc’ COVID: Câu chuyện thành công ít được chú ý của Việt Nam


Một phụ nữ phục vụ bia hơi ở một nhà hàng ở Hà Nội sau khi chính phủ Việt Nam dỡ bỏ cách ly toàn xã hội trong thời gian bùng phát dịch virus corona hôm 29/4. Nhà nước do Đảng Cộng sản nắm quyền được ca ngợi thành công trong chống 'giặc' COVID-19 nhưng ít được thế giới biết tới.
Một phụ nữ phục vụ bia hơi ở một nhà hàng ở Hà Nội sau khi chính phủ Việt Nam dỡ bỏ cách ly toàn xã hội trong thời gian bùng phát dịch virus corona hôm 29/4. Nhà nước do Đảng Cộng sản nắm quyền được ca ngợi thành công trong chống 'giặc' COVID-19 nhưng ít được thế giới biết tới.

Dù Việt Nam đang tiếp tục gây ngạc nhiên khi không ghi nhận ca nhiễm nào trong cộng đồng hơn 40 ngày qua kể từ khi mở cửa lại nền kinh tế trong khi các quốc gia khác tiếp tục vận lộn để khống chế dịch, thì câu chuyện thành công của quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo, với hơn 96 triệu dân mà không có trường hợp tử vong nào, lại không mấy được thế giới chú ý.

Theo đánh giá của CNN, thế giới khi nhìn vào khu vực châu Á để tìm kiếm những ví dụ điển hình trong việc đối phó hiệu quả với sự bùng phát virus corona mới thì sự ca ngợi được tập trung vào các quốc gia như Hàn Quốc, Đài Loan và Hong Kong.

Với hơn 1.400km đường biên giới với Trung Quốc và có hàng triệu khách du lịch từ quốc gia láng giềng phương Bắc tới thăm hàng năm, Việt Nam đã từng được coi là một ‘ổ dịch’ tiềm năng lớn nhất bên ngoài Trung Quốc sau khi COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán. Sau 4 tháng kể từ khi bùng phát dịch, Việt Nam chỉ ghi nhận 328 ca nhiễm COVID-19.

Nhưng quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp này lại làm cộng đồng quốc tế ngạc nhiên vì sự hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch bệnh, đã làm hơn 370.000 người chết trên toàn thế giới, chỉ với một hệ thống chăm sóc y tế không mấy tiên tiến như các quốc gia khác trong khu vực. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam chỉ có 8 bác sỹ cho mỗi 1.000 người dân, chỉ bằng 1/3 so với tỷ lệ này ở Hàn Quốc.

Vậy tại sao Việt Nam, với những nguồn lực hạn chế và một ngân sách eo hẹp lại có thể khống chế đại dịch thành công đến như vậy?

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 19/5 nói rằng Chính phủ Hà Nội “nhận thức được sự nguy hiểm của dịch COVID-19 từ rất sớm” và huy động được mọi nguồn lực trong nước để tham gia cuộc chiến với phương châm “chống dịch như chống giặc.”

Việt Nam đã sớm đóng cửa đường biên giới với Trung Quốc và thực hiện cách ly tập trung phần lớn trong các doanh trại quân đội từ đầu tháng 2 khi Tổ chức Y tế Thế giới chưa coi đây là đại dịch toàn cầu. Theo các chuyên gia, sự ứng phó sớm của Việt Nam một phần do sự “bất tín” của Hà Nội vào những gì Bắc Kinh đưa ra về virus corona. Mối quan hệ bất ổn trong nhiều năm giữa Việt Nam và Trung Quốc khiến Hà Nội “hiểu Trung Quốc rõ hơn bất cứ quốc gia nào” và có sự ứng phó nhanh chóng với sự bùng phát dịch.

Biện pháp ‘mạnh tay’

Ngoài ra, các nhà quan sát cho rằng thành công của Việt Nam có được là nhờ những biện pháp ‘mạnh tay’, bao gồm cả truy dấu người tiếp xúc với trường hợp nhiễm bệnh, của một chế độ độc đoán. Bill Hayton, nhà nghiên cứu của Chatham House, viết trên Foreign Policy rằng mô hình thành công của Việt Nam khó mà có thể áp dụng được ở các nước khác vì có rất ít các quốc gia có những cơ chế kiểm soát như của Việt Nam, như khả năng huy động các lực lượng dân quân tự vệ phong toả toàn khu vực một cách nhanh chóng, tương tự như việc khống chế sự biểu đạt của các tiếng nói bất đồng chính kiến.

Tuy nhiên, theo viện nghiên cứu Brookings của Mỹ, việc ‘ghi điểm’ chủ yếu cho những biện pháp cứng rắn hiệu quả nhờ sự độc đoán của chính quyền Hà Nội làm lu mờ những nỗ lực của quốc gia Đông Nam Á này trong nhiều năm qua nhằm chuyên nghiệp hoá nhà nước hành chính.

Các dữ liệu về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Việt Nam được Brookings trích dẫn cho thấy các tỉnh thành của Việt Nam đã có những tiến bộ trong việc chăm sóc y tế, sự tiếp cận thông tin và kiểm soát tham nhũng.

Sự tiếp cận về bảo hiểm y tế đã tăng nhanh chóng trong thời gian qua với 90% người dân Việt Nam hiện nay đang có bảo hiểm, theo dữ liệu mà Brookings, viện nghiên cứu và phân tích độc lập các vấn đề chính sách thế giới có trụ sở ở Washington DC, trích dẫn từ PAPI.

Ngoài việc người dân Việt Nam đang được tiếp cận nhiều hơn với các tài liệu của chính phủ – như bản đồ, ngân sách, hồ sơ pháp luật – các nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ, còn được biết là chiến dịch “đốt lò” do Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động, phát huy hiệu quả và nhận được sự ủng hộ của người dân, theo nhận định của Brookings. Chiến dịch này được thể hiện ngay trong sự ứng phó của chính phủ đối với đại dịch COVID-19 khi người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật của Hà Nội gần đây bị kết tội do câu kết để nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm COVID-19 lên gấp 3 lần.

Minh bạch hoá

Các nỗ lực minh bạch hoá cũng đã làm giảm thiểu những hoài nghi đối với việc thông tin về COVID-19 của nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo, theo Brookings. Bộ Y tế, kể từ khi có nguy cơ bùng phát dịch, đã luôn đăng tải tất cả các trường hợp nhiễm bệnh trên mạng. Trong khi đó, theo nhà báo Trần Lệ Thuỳ cho biết từ Hà Nội, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã sử dụng kênh thông tin xã hội “rất mạnh” để đưa tin về virus corona khiến cho trang Facebook của Chính phủ vượt báo điện tử số 1 Việt Nam VNExpress về tỷ lệ tương tác.

Theo Brookings, mạng lưới các nhà hoạt động trên mạng, dù còn chỉ trích Chính phủ về những vi phạm quyền riêng tư và thiếu tự do ngôn luận, nhưng không gióng lên hồi chuông cảnh báo nào về những trường hợp tử vong hay che đậy trên diện rộng.

Đã có những nghi ngờ về tỷ lệ nhiễm bệnh thấp của Việt Nam nhưng các chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật Hoa Kỳ – hiện đang giúp Việt Nam trong việc xét nghiệm, phân tích dữ liệu và truy dấu tiếp xúc – nói họ “không thấy bất cứ một biểu hiện nào cho thấy những số liệu đó là sai.”

Tóm lại, viện nghiên cứu Mỹ cho rằng năng lực nhà nước được tăng cường trong những tháng vừa qua của Việt Nam là đỉnh điểm của một nỗ lực có chủ ý và bền vững. Mặc dù còn quá sớm và khó có thể đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về quan hệ nhân quả, nhưng theo Brookings, Việt Nam có xu hướng đi lên trong tiếp cận chăm sóc sức khoẻ, minh bạch và quản trị địa phương. “Câu chuyện thành công của Việt Nam vượt qua hẳn sự phân biệt đơn giản về loại thể chế (độc đoán và dân chủ)” và “xứng đáng được chú ý hơn nữa để trở thành một phần của bức tranh toàn cầu về nhà nước hành chính trong thời kỳ khủng hoảng.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG