Đường dẫn truy cập

Việt Nam đánh dấu một năm công nhận người đồng giới tính


Những người tranh đấu cho người đồng tính nam, đồng tính nữ, lưỡng tính và chuyển giới, gọi chung là LGBT, ở khắp Việt Nam đang chuẩn bị những lá cờ mầu cầu vồng và áo thun cùng mầu để chào mừng ngày “Viet Pride 2013.”
Những người tranh đấu cho người đồng tính nam, đồng tính nữ, lưỡng tính và chuyển giới, gọi chung là LGBT, ở khắp Việt Nam đang chuẩn bị những lá cờ mầu cầu vồng và áo thun cùng mầu để chào mừng ngày “Viet Pride 2013.”
Chính phủ Việt Nam thường xuyên bị chỉ trích về thành tích nhân quyền, nhưng trong năm vừa qua, những người hoạt động cho quyền của người đồng tính đã đạt được tiến bộ trong cuộc tranh đấu của họ. Một năm sau cuộc diễu hành “Viet Pride” khiến quốc tế chú ý đến cuộc tranh đấu cho quyền của những người đồng tính, lưỡng giới và chuyển giới, thông tín viên Marianne Brown tường thuật về hướng đi sắp tới của phong trào này.

Những người tranh đấu cho người đồng tính nam, đồng tính nữ, lưỡng tính và chuyển giới, gọi chung là LGBT, ở khắp Việt Nam đang chuẩn bị những lá cờ mầu cầu vồng và áo thun cùng mầu để chào mừng ngày “Viet Pride 2013.”

Sẽ có những buổi chiếu phim, một cuộc tụ tập chớp nhoáng, một buổi trình diễn thời trang ở các thành phố lớn và một cuộc diễu hành bằng xe đạp rất quan trọng ở Hà Nội vào ngày chủ nhật này.

Năm ngoái đã là một năm đáng ghi nhớ cho quyền của những người LGBT. Chuyên gia phân tích Lê Quang Bình thuộc Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho biết như sau.

“Theo tôi, từ năm ngoái, cuộc tranh luận xã hội đã lan rộng tới mọi góc cạnh của xã hội, trong đó có những người quyết định chính sách và các nhà làm luật tại Quốc hội.”

Năm ngoái, các đề xuất cho phép hôn nhân đồng giới đã được cứu xét trong các cuộc thảo luận về việc duyệt lại Bộ luật Hôn nhân và Gia đình. Ðã có nhiều lời đồn đoán về việc liệu Việt Nam có trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông nam châu Á hợp thức hóa hôn nhân đồng giới hay không.

Một dự thảo đề nghị vừa được chính phủ chấp thuận không đi xa đến mức đó, nhưng đã dành cho các cặp đồng tính nhiều quyền hơn, và làm như vậy là tiến một bước tới chỗ hôn nhân đồng tính, theo lời của ông Bình. Ông nói:

“Chúng tôi đã bãi bỏ lệnh cấm hôn nhân đồng giới, nhưng chúng tôi chưa hợp thức hóa hôn nhân đồng giới. Nhưng chúng tôi thừa nhận việc các cặp đồng giới sống chung như một gia đình. Họ có thể có con, có tài sản, và mọi thứ chung khác và chính phủ không can thiệp vào việc ấy.”

Xã hội Việt Nam đặt nền tảng trên mô thức cổ truyền là một người đàn ông và một người đàn bà kết hôn với nhau để sinh con đẻ cái. Ðối với những người có quan niệm cổ truyền về xã hội, mở rộng các cơ chế gia đình như hôn nhân cho những người đồng giới cần đến rất nhiều sự thuyết phục và bàn thảo.

Trong mấy năm vừa qua, cộng đồng LGBT đã tự tin hơn trong công cuộc tranh đấu. Họ tổ chức những sự kiện như tập huấn cho các ký giả địa phương để cải thiện hình ảnh những người đồng tính qua các phương tiện truyền thông địa phương.

Cuộc tranh đấu chống phân biệt đối xử thậm chí còn bao gồm việc thay đổi ngôn ngữ mô tả những người đồng tính. Trong tiếng Việt, phần lớn người ta mô tả sự kiện đồng tính là “bị gay,” ngụ ý như bị mắc phải một chứng bệnh.

Năm nay, những người lãnh đạo Viet Pride 2013 đang tìm cách giải quyết những sự phân biệt đối xử tế nhị như thế bằng cách yêu cầu giới chủ nhân trưng các bích chương ở nơi làm việc giải thích đồng tính là gì và nêu ra vấn đề là việc sử dụng ngôn ngữ thiếu thỏa đáng có thể xúc phạm tới người khác.

Một trong những người đồng tổ chức Nguyễn Thanh Tâm nói đó là một cách quan trọng để thay đổi khái niệm của mọi người về đồng tính:

“Nơi làm việc là một trong ba kênh có thể tiếp xúc với mọi người một cách rất hữu hiệu. Mọi người dành nhiều thời gian ở nhà, đến trường và đi làm việc. Chúng ta không thể làm gì nhiều ở trường học ngay lúc này, nhưng có thể làm một cái gì đó ở nơi làm việc.”

Một dấu hiệu thời thế thay đổi khác là thành công của tác giả Nguyễn Ngọc Thạch. Ông Thạch vừa xuất bản một cuốn tiểu sử đầu tiên của một người chuyển giới, có tựa đơn giản là Chuyển giới, và sách đã bán rất chạy.

Trong những ngày sắp tới, ông sẽ ra cuốn, “Mẹ ơi, con đồng tính” một cuốn sách tả thực về lịch sử LGBT trên thế giới. Mặc dầu trước đây nhiều đoàn thể ở Việt Nam đã có thể xuất bản những sách tả thực về quyền của người đồng tính, ông Thạch nói cuốn sách của ông là một trường hợp khác biệt:

“Khác biệt chính là khi một số tổ chức xuất bản sách, thì Cục xuất bản của Việt Nam không biết. Họ không thể bán sách ở hiệu sách. Nhưng với cuốn “Mẹ ơi, con đồng tính”, thì sách được Cục Xuất bản Việt Nam phát hành vì thế sẽ được bán ở nhiều hiệu sách và mọi người đến hiệu sách sẽ nhìn thấy và mua sách.”

Ông Thạch nói mặc dầu ông đồng ý rằng hôn nhân đồng giới là quan trọng đối với cộng đồng LGBT, ông nghĩ cần phải làm nhiều hơn để giúp những người chuyển giới. Tại Việt Nam, các bệnh viện mới chỉ có thể làm phẫu thuật chuyển giới cho những người thuộc nam hay nữ giới, còn những người chuyển giới thì không thể thay đổi giới tính trên các văn kiện chính thức.

VOA Express

XS
SM
MD
LG