Đường dẫn truy cập

Việt Nam điều chỉnh cách phòng chống dịch; nước ngoài viện trợ thêm vaccine


Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm phòng, chống dịch (ảnh tư liệu, 1/6/2021).
Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm phòng, chống dịch (ảnh tư liệu, 1/6/2021).

Ở thời điểm tổng số ca nhiễm COVID-19 trong nước tăng vọt lên 34.500 hôm 13/7, Việt Nam điều chỉnh về cách phòng, chống dịch với việc bắt đầu thí điểm điều trị tại nhà đối với người dương tính với virus ở thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng ngày, Nhật Bản và Úc cho hay họ sẽ gửi tặng thêm tổng cộng 2,5 triệu liều vaccine cho Việt Nam.

Thông tin Chính phủ, trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam, cho biết tính đến 6h chiều ngày 13/7, có thêm xấp xỉ 2.300 ca nhiễm COVID-19 và 5 ca tử vong so với ngày hôm trước, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch đến nay thành 34.500, bao gồm 130 ca tử vong.

Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là tâm dịch với số người nhiễm mới đông nhất, lên đến gần 1.800 ca.

Vẫn Thông tin Chính phủ cho hay Bộ Y tế Việt Nam đồng ý cho Tp.HCM thí điểm điều trị tại nhà đối với 2 nhóm người nhiễm virus, còn được gọi là F0.

Nhóm thứ nhất là những bệnh nhân đã điều trị cách ly 10 ngày, xét nghiệm có tải lượng virus thấp, khả năng lây nhiễm giảm; nhóm còn lại là các nhân viên y tế, có kinh nghiệm theo dõi sức khỏe.

“Tp.HCM có thể sẽ làm thí điểm trước, sau đó báo cáo Bộ Y tế. Bộ sẽ dựa trên báo cáo này để ban hành hướng dẫn chung thí điểm cho toàn quốc”, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nói, được Thông tin Chính phủ dẫn lại.

Đây là một thay đổi đáng chú ý vì theo các quy định hiện hành ở Việt Nam, tất cả bệnh nhân mắc COVID-19 bắt buộc cách ly, điều trị tại cơ sở y tế, trong đó, các ca F0 không có triệu chứng sẽ cách ly tập trung tại cơ sở y tế tối thiểu 14 ngày.

Nói về sự thay đổi này trong một buổi họp báo chiều ngày 13/7, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM cho hay nếu Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn về việc thí điểm, ngành y tế của thành phố sẽ thực hiện theo hướng dẫn của bộ, theo một bản tin của Tuổi Trẻ.

Quan chức của Sở Y tế Tp.HCM nói thêm rằng hiện nay có nhiều trường hợp F0 không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ, vì vậy, sẽ không tập trung chữa trị đồng bộ nữa mà sẽ phân tầng chữa trị. “Những F0 không có triệu chứng sẽ điều trị ở nơi ít trang thiết bị hơn để tập trung cơ sở y tế cho các trường hợp nặng”, Phó Giám đốc Hưng nói, được Tuổi Trẻ dẫn lại.

Giữa lúc Việt Nam điều chỉnh cách phòng, chống dịch, Nhật Bản và Úc tuyên bố sẽ tặng thêm vaccine cho Việt Nam.

Báo chí trong nước, trong đó có VNExpress và Tin Tức, loan tin Úc cam kết viện trợ gần 30 triệu đô la Mỹ và hỗ trợ 1,5 triệu liều vaccine AstraZeneca sản xuất tại Úc cho Việt Nam trong thời gian tới, bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ viện trợ thêm 1 triệu liều vaccine cho Việt Nam, cũng là loại của AstraZeneca.

Lô vaccine mới nhất của Nhật Bản sẽ được chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất vào rạng sáng ngày 16/7, đưa tổng số vaccine Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam lên thành 3 triệu liều.

Con số thống kê chính thức của chính phủ Việt Nam cho thấy đến ngày 13/7 ngành y tế đã thực hiện tiêm chủng 4.063.872 liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó, số người được tiêm 1 mũi là 3.783.505 người, số người được tiêm đủ 2 mũi là 280.367 người.

Việt Nam, với dân số khoảng 98 triệu người, đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho 50% người từ 18 tuổi trở lên vào cuối năm nay và 70% vào cuối tháng 3/2022, theo một bản tin của Reuters hôm 9/7.

VOA Express

XS
SM
MD
LG