Đường dẫn truy cập

Việt Nam đối phó nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lan rộng


Tả lợn châu Phi là dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn nuôi
Tả lợn châu Phi là dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn nuôi

Dịch tả lợn châu Phi đang lây lan nhanh ra các tỉnh thành trên khắp Việt Nam khiến Thủ tướng Phạm Minh Chính phải ra chỉ thị tăng cường các biện pháp chống dịch, truyền thông trong nước đưa tin.

Chỉ thị được phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký thay Thủ tướng vào ngày 14/7 năm 2024 cảnh báo Dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan diện rộng rất cao, theo Cổng thông tin Điện tử Chính phủ.

Thịt lợn, hay thịt heo, là thực phẩm chủ chốt của người dân Việt Nam. Do đó, nếu dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh thì nó sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng và môi trường.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, đã có 660 ổ dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại 44 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam và Long An.

Số lợn bị buộc phải tiêu hủy là trên 42.400 con, cũng theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Cổng thông tin Điện tử Chính phủ dẫn lại.

Chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu thực hiện các biện pháp như tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết, lợn nghi mắc bệnh và hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn bị dịch phải tiêu hủy; ngăn chặn và xử lý các trường hợp vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường vệ sinh, sát trùng chuồng trại; phân bổ kinh phí mua vaccine để tiêm phòng cho đàn lợn; phạt các hộ chăn nuôi giấu dịch…

Dịch tả lợn châu Phi từng bùng phát mạnh và tàn phá nặng nề ở Việt Nam hồi năm 2019, lan rộng ra khắp 63 tỉnh, thành. Tổng số lợn chết và tiêu hủy trong đợt dịch khi đó lên đến 6 triệu con với trọng lượng xấp xỉ 400.000 tấn, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được báo Nông nghiệp dẫn lại.

Phải mất gần một năm Việt Nam mới khống chế được dịch khi đó với tổng số tiền đã chi cho việc chống dịch là 12.000 tỷ đồng, tức gần nửa tỉ đô la Mỹ, cũng theo số liệu của cơ quan này.

Thời điểm từ nửa sau năm 2024 cho đến đầu năm 2025 là giai đoạn các hộ nông dân và các doanh nghiệp chăn nuôi lớn ở Việt Nam chuẩn bị đàn lợn phục vụ cho Tết Nguyên đán khi nhu cầu thịt lợn tăng vọt.

Trang VTV dẫn lời ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục Trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trấn an rằng từ giờ đến cuối năm, kể cả Tết khi nhu cầu thịt lợn tăng khoảng từ 10 – 15%, thì Việt Nam vẫn đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong nước, không cần phải nhập khẩu.

Ông Chinh cũng khuyến cáo 16 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn trên toàn quốc tăng đàn lợn nuôi từ nay đến cuối năm và đảm bảo chặt chẽ an toàn sinh học khi chăn nuôi, cũng theo VTV.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG