Đường dẫn truy cập

Việt Nam giúp Lào cứu hộ sau thảm họa đập thủy điện


Người dân đứng trên một mái nhà ngập lụt sau khi sau khi đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy bị vỡ, ngày 24/7/2018.
Người dân đứng trên một mái nhà ngập lụt sau khi sau khi đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy bị vỡ, ngày 24/7/2018.

Hoàng Anh Gia Lai hộm 25/7 đã đưa được 26 công nhân của họ mắc kẹt ở Lào về nước sau khi đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy bị vỡ trong khi chính phủ Việt Nam họp khẩn để chỉ đạo công tác cứu hộ và cứu trợ giúp Lào sau thảm họa này.

Theo truyền thông trong nước, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), một doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại tỉnh Attapeu nơi có đập thủy điện vừa xảy ra sự cố, đã cứu hộ thành công 26 người bị cô lập sau khi đập bị vỡ hôm 23/7.

Có ít nhất 24 người chết sau khi đập thủy điện đang trong quá trình xây dựng của dự án điện Xe Pian Xe Namnoy bị vỡ tính cho đến ngày 25/7, theo AP.

Trước đó một thông cáo của HAGL đăng tải trên trang web của tập đoàn này cho biết “hiện có 24 cán bộ công nhân viên” của công ty và “2 trẻ em bị mắc kẹt trong khu vực bị ảnh hưởng.” Họ cho biết trong ngày 25/7, máy bay trực thăng sẽ đưa toàn bộ 26 người đến nơi an toàn.

Thông báo này cũng cho biết HAGL bước đầu hỗ trợ 50 tấn gạo cùng thực phẩm và quần áo gửi tới Attapeu trong ngày 25/7 để giao cho ủy ban cứu trợ của chính phủ Lào.

Không có báo cáo người Việt Nam nào bị thiệt mạng cho tới thời điểm này, nhưng Bộ Quốc phòng Việt Nam hôm 25/7 đã chỉ thị cho các lực lượng quân đội sẵn sàng ứng cứu nếu phía Lào yêu cầu.

Chủ tịch tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức, nói với VNExpress rằng ông cũng muốn giúp các quan chức Lào trong việc cứu trợ.

Bản đồ vị trí đập thủy điện của dự án Xe-Pian Xe-Namnoy vừa bị vỡ ở Lào.
Bản đồ vị trí đập thủy điện của dự án Xe-Pian Xe-Namnoy vừa bị vỡ ở Lào.

Đập thủy điện vừa bị vỡ nằm cách Việt Nam khoảng 700km và cách nhánh chính của sông Mekong khoảng 200km, theo Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà, người đồng thời là Chủ tịch Ủy ban sông Mekong Việt Nam nói với VietNamNet.

Theo thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoàng Văn Thắng, sự cố này sẽ không có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam.

Mặc dù vậy chuyên gia của Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam Đào Trọng Tứ cho rằng đây là một “một thảm họa tương đối lớn trong vùng và gây nên tác động lớn.”

“Đây là một thảm họa mà cần phải rất cảnh giác," TS Tứ nói. "Vấn đề là xây dựng, thiết kế thi công đập đã gây nên những thảm họa cho con người. Phải vô cùng thận trọng.”

Tuy nhiên tiến sỹ này từ chối bình luận về những tác động tới Việt Nam tại thời điểm mà ông cho là “không thích hợp” khi phía Lào đang khắc phục sự cố.

Việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng sông Mekong luôn bị các tổ chức bảo vệ sông ngòi và môi trường phản đối. Việt Nam là một nước ở hạ lưu sông Mekong và do đó được đánh giá là chịu tác động tiêu cực của các con đập trên thượng lưu dòng sông này đã được Trung Quốc xây dựng.

Có 11 đập thủy điện đang và sẽ được xây dựng trên nháng chính của sông Mekong ở Lào và Campuchia. Năm ngoái, Việt Nam phản đối Lào xây dựng dự án thủy điện Pak Beng, một trong số 11 đập thủy điện đã được cho phép xây dựng, theo The Nation.

Bộ trưởng Hà lúc đó nói rằng “Việt Nam rất lo ngại về việc khai thác thủy điện ngày càng tăng trên sông Mekong trong những năm gần đây của các nước ở thượng nguồn. Việt Nam gần đây đã phải hứng chịu một đợt hạn hán nghiêm trọng, nạn xâm mặn và lún đất.”

Theo các chuyên gia về môi trường, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ biến mất trong vài thập kỷ tới một khi 11 đập thủy điện nói trên được xây dựng ở Lào và Campuchia.

Đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy ở Lào đã đạt được 90% tiến độ xây dựng trước khi gặp sự cố hôm 23/7. Dự án này dự kiến được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2019. Nhà máy có tổng đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD dự kiến bán điện chủ yếu cho Lào.

VOA Express

XS
SM
MD
LG