Đường dẫn truy cập

Việt Nam kỳ vọng cao sẽ tăng xuất khẩu nông hải sản, thịt gia cầm sang TQ năm 2024


Một khu vực bán gà ở ngoại thành Hà Nội.
Một khu vực bán gà ở ngoại thành Hà Nội.

Việt Nam hy vọng sẽ gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc trong năm nay sau khi hai nước đã đồng ý xem xét các quy định cho phép xuất khẩu chính ngạch thịt gia cầm của Việt Nam, đồng thời Bắc Kinh hứa sẽ tiến hành xem xét pháp lý để ký nghị định thư đối với một số mặt hàng nông thủy sản.

Cục Xuất Nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương Việt Nam cho biết ngay thời điểm đầu năm 2024, Trung Quốc đã đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu thịt gia cầm. Thông Tấn Xã Việt Nam loan tin hôm 17/2 cho rằng “đây là cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu thịt sang thị trường tiềm năng này”.

Hồi tháng trước, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Trần Thanh Nam tuyên bố rằng Trung Quốc đồng ý xem xét dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam. Ông Nam cho báo giới trong nước biết như vậy sau khi ông thực hiện chuyến công du 5 ngày tới Trung Quốc.

Ngoài ra, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Nam nói rằng Trung Quốc, với thị trường 1,4 tỷ dân, có nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thịt lên tới khoảng 400 tỷ USD/năm và Việt Nam có tiềm năng lớn để xuất khẩu thịt gia cầm sang thị trường đông dân nhì thế giới này.

Ông Nam cho biết chuyến công tác của ông đến Bắc Kinh và Quảng Châu từ ngày 14 đến 20/1 nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong hoạt động xuất nhập khẩu nông sản.

Ngày 16/1, ông Nam đã có các cuộc gặp riêng với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc Mã Hữu Tường (Ma Youxiang) và Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Triệu Tăng Liên (Zhao Zenglian) để đề nghị mở cửa thêm cho thị trường nông sản Việt Nam.

Ông Nam nói rằng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý hoàn thiện kịp thời hồ sơ để ký 3 nghị định thư trong thời gian sớm nhất, bao gồm thủy sản đánh bắt tự nhiên, cá sấu nuôi, khỉ nuôi trong nước xuất sang Trung Quốc, theo trang web Nông nghiệp Việt Nam của Bộ NN&PTNT.

Ông Nam nhấn mạnh hai bên đã đạt được sự đồng thuận về việc Trung Quốc mở cửa cho tôm hùm đá nhiệt đới của Việt Nam, với một số điều khoản mới được bổ sung vào nghị định thư về xuất khẩu thủy sản và Trung Quốc cũng đang xem xét mở cửa cho bơ và chanh leo của Việt Nam.

Việt-Trung sắp ký nghị định thư về xuất khẩu thủy sản, cá sấu, khỉ
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:11 0:00

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, với thương mại song phương chiếm 25% tổng thương mại của Trung Quốc với khối này trong 11 tháng đầu năm 2023.

Tân Hoa Xã đưa tin vào tháng 12 năm ngoái rằng hai quốc gia láng giềng có “không gian rộng lớn để hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp”. Trang này cho biết thêm rằng trong 11 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu nông sản Việt Nam trị giá 44,62 tỷ nhân dân tệ, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hội đồng Thương mại Quốc tế (ITC) năm 2023, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chỉ chiếm 1% tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm nghiệp và thủy sản sang Trung Quốc, đạt khoảng 12,2 tỷ USD. ITC cho hay tỷ lệ khiêm tốn này chủ yếu là do Việt Nam chưa có nghị định thư để xuất khẩu sản phẩm thịt gia cầm sang Trung Quốc, đề cập đến lệnh cấm nhập khẩu liên quan đến Cúm gia cầm có khả năng gây bệnh cao (HPAI) của Trung Quốc.

Theo ITC, trong nhiều năm qua, nhiều sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam, bao gồm thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thịt trâu, đã phải chịu hạn ngạch không chính thức tại các cửa khẩu biên giới. Những sản phẩm này đã gặp phải nhiều trở ngại liên quan đến việc thông quan tại biên giới cũng như chịu sự giám sát và các tiêu chuẩn kiểm soát nghiêm ngặt hơn.

Bà Phạm Thị Huân, nữ doanh nhân, người sáng lập công ty cổ phần Ba Huân tại Tp.HCM, một trong những nhà cung cấp thịt gia cầm và trứng lớn nhất cả nước, hoan nghênh động thái này của phía Trung Quốc. “Công ty của tôi chưa xuất khẩu thịt gà hoặc trứng vào Trung Quốc đại lục. Việc dỡ bỏ lệnh cấm này sẽ mở ra cánh cửa cho công ty của tôi và nhiều người chăn nuôi Việt Nam”, bà Huân nói với đài VOA qua điện thoại ngày 21/2.

Đây là cơ hội tốt nhất cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, chăn nuôi có bài bản, với chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn với công nghệ cao”, bà Huân, còn hay gọi bà Ba Huân, nói. Nếu Trung Quốc cho xuất khẩu sang thì người chăn nuôi, nông dân và cả doanh nghiệp đều rất mừng”.

“Chuyến công tác Trung Quốc của Thứ trưởng Nam sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc vào năm 2024”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), bày tỏ sự lạc quan về chuyến công tác vừa qua của phái đoàn ông Nam.

“Nghành xuất khẩu Việt Nam, nhất là ngành rau quả rất là trông chờ những chuyến đi như vậy của đại diện chính phủ để đàm phán mở cửa thị trường cho các hàng hóa, nông sản xuất khẩu của Việt Nam, không những đi Trung Quốc mà còn đi các nước khác nữa”, ông Nguyên nêu nhận xét. “Chúng tôi rất kỳ vọng vào sự thành công sau này của các chuyến đi đó, giúp cho kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam càng ngày càng tăng trưởng hơn, cạnh tranh được với các nước Đông Nam Á và trong khu vực”.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành trái cây Việt Nam, với kim ngạch nhập khẩu đạt 3,7 tỷ USD vào năm 2023, tăng gần 250% về giá trị và 65% về thị phần so với năm 2022, truyền thông Việt Nam đưa tin.

Hiện Việt Nam mới chỉ có 14 loại trái cây, nông sản được cấp phép chính thức vào Trung Quốc gồm thanh long, dưa hấu, chuối, vải thiều, nhãn, chôm chôm, mít, xoài, măng cụt, sầu riêng, chanh dây, thạch đen, khoai lang và tổ yến, theo website Kinh tế Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).

Trong số đó, một nghị định thư gần đây về các yêu cầu kiểm dịch đối với dưa hấu đã được ký kết trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12 năm ngoái, ngoài ra, 5 sản phẩm khác đã được đưa vào các nghị định thư trước đó gồm măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang.

Ông Nguyên cho rằng thị trường Trung Quốc có tiềm năng và cơ hội lớn cho việc xuất khẩu rau quả Việt Nam, đồng thời nhận xét thêm rằng người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng các sản phẩm sầu riêng của Việt Nam, đây được coi là một lợi thế và là một chiến lược của Việt Nam.

Theo ông Nguyên, hiện có 708 vùng trồng sầu riêng và 168 cơ sở đóng gói sầu riêng ở Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông nhận định thêm: “Nếu nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh được ký kết vào đầu năm nay, sầu riêng tươi và đông lạnh sẽ mang về khoảng 3,5 tỷ USD”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG