Đường dẫn truy cập

Việt Nam mua máy bay huấn luyện quân sự của Czech


Máy bay huấn luyện quân sự L-39NG sẽ được Czech bán cho Việt Nam theo hợp đồng vừa được ký kết giữa Aero Vodochody và Bộ Quốc phòng.
Máy bay huấn luyện quân sự L-39NG sẽ được Czech bán cho Việt Nam theo hợp đồng vừa được ký kết giữa Aero Vodochody và Bộ Quốc phòng.

Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa ký một thoả thuận mua 12 máy bay huấn luyện quân sự hiện đại của Cộng hoà Czech, Aero Vodochody cho biết hôm 15/2.

Nhà sản xuất máy bay quân sự hàng đầu của Czech, Aero, thông báo về thương vụ mua bán này trên trang Twitter chính thức, trong đó nói đối tác chiến lược của họ, OMNIPOL, và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ký một hợp đồng cung cấp 12 máy bay huấn luyện L-39NG và gọi đó là một tin “tuyệt vời.”

Nhà xuất khẩu quốc phòng OMNIPOL của Czech hôm 15/2 cũng công bố thông tin về hợp đồng ký kết với Việt Nam, the tạp chí tin tức mở về tình báo quốc phòng, an ninh và hàng không của Anh, Janes. Theo đó, các máy bay phản lực kiểu mới, phiên bản hiện đại của chiếc L-39 Albatros từng được ưa chuộng và được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài trong những năm 1970-1980, sẽ được chuyển giao cho Việt Nam vào năm 2023-2024.

Hãng tin Reuters của Anh cũng thông tin về hợp đồng ký kết giữa nhà sản xuất máy bay của Czech và Bộ Quốc phòng Việt Nam, và trích dẫn tuyên bố của OMNIPOL, trong đó cho biết thương vụ này, ngoài việc chuyển giao 12 máy bay L-39NG, còn bao gồm việc đào tạo phi công, người hướng dẫn, nhân viên bảo trì dưới mặt đất và chuyên viên cơ khí.

“Cũng bao gồm trong thương vụ này là việc cung các phụ tùng của máy bay cũng như các dụng cụ huấn luyện trên mặt đất, hỗ trợ hậu cần hay các hệ thống chuyên dụng cho sân bay,” theo tuyên bố của OMNIPOL.

Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng như truyền thông trong nước chưa đưa tin về hợp đồng mua bán này với Aero, hiện thuộc sở hữu của thương gia người Hungary, Andras Tombor, và nhà kinh doanh vũ khí có tiếng của Czech, Richard Hava, người đang là chủ của OMNIPOL.

Giá trị hợp đồng không được tiết lộ, nhưng theo FlightGlobal, tạp chí chuyên về hàng không, đây là thương vụ xuất khẩu “đáng chú ý nhất” của Aero cho tới thời điểm này đối với dòng máy bay phản lực hiện đại L-39NG vừa được chứng nhận vào năm ngoái.

OMNIPOL được Reuters trích dẫn cho biết Việt Nam là một trong số những quốc gia mua loại máy bay L-39 trong những năm 1970 và 1980.

Còn theo FlightGlobal, Việt Nam từng là nước sử dụng Albatros, một trong những loại máy bay phản lực sung mãn nhất của khối Cộng sản và là loại máy bay tiền thân của L-39NG, trong một thời gian dài. Hơn 2.800 chiếc L-39 đã được chuyển giao trên khắp thế giới trong thời gian Chiến tranh Lạnh, trong đó Việt Nam tiếp nhận 31 chiếc.

Theo mô tả của Aero trên trang web chính thức, L-39NG là phiên bản mới nhất của dòng máy bay huấn luyện quân sự L-39, hiện đang tồn tại với số lượng 3.000 chiếc và được sử dụng ở 15 quốc gia trong vòng 45 năm qua.

Việt Nam hồi đầu năm 2019 được cho là đã đặt mua máy bay trinh sát và huấn luyện quân sự T-6 của Mỹ để tăng cường khả năng phòng thủ. Sau đó trong năm, sứ quán Mỹ ở Hà Nội cho biết Không lực Hoa Kỳ đã đào tạo phi công quân sự đầu tiên của Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh kết thúc.

Việt Nam trong những năm gần đây đã tăng cường chi tiêu quân sự cũng như củng cố sức mạnh cho lực lượng quốc phòng giữa bối cảnh Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng trên Biển Đông và trong khu vực. Theo dự báo trước đây của chuyên viên phân tích Công nghiệp Quốc phòng châu Á Thái Bình Dương tại HIS Jane’s, Jon Grevatt, chi tiêu quốc phòng của Việt Nam sẽ tăng lên 6,2 tỷ USD đến năm 2020. Viện nghiên cứu Hoà bình Stockholm (SIPRI) hồi năm 2019 xếp Việt Nam trong Top 10 nước mua nhiều thiết bị quân sự nhất thế giới trong phúc trình về các giao dịch vũ khí quốc tế.

VOA Express

XS
SM
MD
LG