Đường dẫn truy cập

Việt Nam ‘theo dõi’ tình hình Myanmar sau vụ đảo chính


Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi duyệt đội danh dự tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam tháng 4/2019. Bộ Ngoại giao ở Hà Nội nói Việt Nam đang theo dõi tình hình ở Myanmar sau khi quân đội bắt giữ bà Suu Kyi và lên nắm quyền.
Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi duyệt đội danh dự tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam tháng 4/2019. Bộ Ngoại giao ở Hà Nội nói Việt Nam đang theo dõi tình hình ở Myanmar sau khi quân đội bắt giữ bà Suu Kyi và lên nắm quyền.

Việt Nam hôm 1/2 lên tiếng trước tình trạng khẩn cấp ở Myanmar sau khi quân đội nước này bắt giữ các nhà lãnh đạo được dân bầu, trong đó có bà Aung San Suu Kyi, để lên nắm quyền, một hành động mà các chính phủ phương Tây gọi là “đảo chính.”

Trả lời phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến tình hình gần đây tại Myanmar, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội Lê Thị Thu Hằng nói rằng “là nước láng giềng trong khu vực và cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam hết sức quan tâm theo dõi tình hình đang diễn ra tại Myanmar.”

Hàng loạt các quốc gia hôm 1/2 cũng đã lên tiếng sau khi quân đội Myanmar nắm quyền trong cuộc đảo chính chống lại chính phủ do dân cử do bà Suu Kyi lãnh đạo. Mỹ, Anh và nhiều nước khác, trong đó có Nhật, cùng Liên Hợp Quốc lên án hành động của quân đội Myanmar và kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi. Liên Hợp Quốc cho rằng “những diễn biến này là một đòn giáng mạnh vào cải cách dân chủ” trong khi Mỹ đe doạ sẽ tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các tướng lĩnh của Myanmar.

Cuộc đảo chính ở Myanmar diễn ra rạng sáng ngày 1/2, vài tháng sau khi đảng NLD của bà Suu Kyi giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử ngày 8/11 trong khi quân đội không chấp nhận kết quả này và đưa ra những cáo buộc gian lận không có cơ sở.

Tướng Min Aung Hlaing được quân đội Myanmar trao quyền chỉ huy lực lượng và áp đặt tình trạng khẩn cấp trong một năm. Hành động này được giới quan sát cho là dập tắt hy vọng quốc gia, từng bị quân đội cai trị trong nhiều thập niên, có thể tiếp tục con đường đi tới một nền dân chủ ổn định.

“Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì hoà bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN,” bà Hằng nói trong tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao và không cho biết liệu Việt Nam có lên án cuộc đảo chính quân sự này hay không.

Trung Quốc hôm 1/2 cũng đưa ra phản ứng tương tự khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh Vương Văn Bân nói rằng Trung Quốc đã nhận thấy tình hình của Myanmar và đang tìm kiếm thêm thông tin, theo Hoàn cầu Thời báo.

“Trung Quốc là một nước láng giềng thân thiện của Myanmar, và chúng tôi hy vọng tất cả các bên ở Myanmar có thể xử lý đúng đắn những khác biệt trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật, đồng thời bảo vệ sự ổn định chính trị và xã hội,” ông Vương nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.

Myanmar, một quốc gia thành viên của khối Đông Nam Á, đã có quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam trong những năm qua trong thời gian lãnh đạo của đảng NLD của bà Suu Kyi trước khi bị quân đội trở lại nắm quyền trong vụ đảo chính hôm 1/2. Việt Nam và Myanmar kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm ngoái, sau các chuyến thăm cấp nhà nước của lãnh đạo hai bên trong vài năm qua, trong đó có chuyến thăm tới Hà Nội của Cố vấn Nhà nước Myanmar Suu Kyi.

Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là điểm sáng trong quan hệ hai nước và Việt Nam là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar. Vẫn theo ông Minh, chính phủ Myanmar giữ vững lập trường cam kết duy trì, tăng cường an ninh và ổn định trong khu vực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trong vấn đề Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG