Đường dẫn truy cập

Việt Nam tịch thu 8 tấn ngà voi, vẩy tê tê nhập từ Nigeria


Tư liệu: Một con tê tê TQ nằm nghỉ trên một cành cây tại Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã ở Vườn Quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Binh. Ảnh chụp ngày 30/9/2016 (AP Photo/Hau Dinh)
Tư liệu: Một con tê tê TQ nằm nghỉ trên một cành cây tại Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã ở Vườn Quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Binh. Ảnh chụp ngày 30/9/2016 (AP Photo/Hau Dinh)

Chiều ngày 4/10/2018, nhà chức trách Việt Nam đã tịch thu hơn 8 tấn vẩy tê tê và ngà voi trong vụ buôn lậu động vật hoang dã lớn nhất tại Việt Nam tính từ nhiều năm qua, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ chính phủ Việt Nam cho hay.

Bản tin Reuters tường thuật rằng cảnh sát đã phát hiện hơn 2 tấn ngà voi và 6 tấn vẩy tê tê giấu bên trong các bao tải chứa nhựa tái chế chất bên trong một container nhập từ Nigeria, tại cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng hôm thứ Năm.

Trang mạng bienphong.com của Việt Nam đưa ra số lượng hàng cấm bị thu giữ là 10 tấn, thay vì 8 tấn, và cho biết container thuộc quyền sở hữu của Công Ty Thiên Trường Sử có trụ sở ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Giám đốc của công ty này là ông Nguyễn Xuân Sử, không trả lời điện thoại của phóng viên Reuters.

Vụ này xảy ra vài ngày sau khi giới hữu trách tại sân bay Nội Bài ở Hà nội cho biết đã tịch thu gần 1 tấn ngà voi và vẩy tê tê giấu trong các kiện hàng, cũng có xuất xứ từ Nigeria.

Bản tin của Reuters dẫn lời ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã Việt Nam (SVW), nói rằng các hoạt động buôn lậu tê tê đã tăng trong mấy năm gần đây.

Ông Thái nói:

“Phần lớn vẩy tê tê bị tịch thu ở Việt Nam có xuất xứ từ Châu Phi và trên đường được vận chuyển sang Trung Quốc, thị trường lớn hơn tiêu thụ loại hàng này.”

Ông Thái, còn là Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Tê tê thế giới, nói một số người Việt Nam tin rằng dùng vẩy tê tê tốt cho sức khỏe, đặc biệt đối với những người mắc bệnh gan, loãng xương, và các bà mẹ muốn có nhiều sữa cho con bú.

Buôn bán ngà voi và vẩy tê tê bị cấm tại Việt Nam, nhưng các món hàng quốc cấm này vẫn bán rất chạy trên thị trường chợ đen vì nhu cầu tại Việt Nam và nước láng giềng Trung Quốc, với trị giá ước lượng trên toàn cầu của thị trường này lên tới 20 tỉ đôla.

VOA Express

XS
SM
MD
LG