Đường dẫn truy cập

Việt Nam ủng hộ Campuchia xây kênh đào Funan nhưng kêu gọi hợp tác đánh giá tác động


Người dân vẫy cờ Campuchia tại lễ khởi công Kênh đào Funan Techo ở huyện Kien Svay, tỉnh Kandal, hôm 5/8. (Sim Chansamnang/VOA Khmer)
Người dân vẫy cờ Campuchia tại lễ khởi công Kênh đào Funan Techo ở huyện Kien Svay, tỉnh Kandal, hôm 5/8. (Sim Chansamnang/VOA Khmer)

Vài ngày sau khi Campuchia khởi công xây dựng kênh đào Funan Techo gây tranh cãi, Việt Nam nói rằng họ tôn trọng quyết định này của nước láng giềng nhưng kêu gọi chính quyền Campuchia phối hợp đánh giá tác động của dự án, theo truyền thông trong nước.

Campuchia hôm 5/8 động thổ xây dựng dự án kênh đào trị giá 1,7 tỷ USD do Trung Quốc tài trợ mà họ ca ngợi là “mang tính lịch sử” bất chấp những lo ngại về môi trường và nguy cơ căng thẳng trong quan hệ với Việt Nam. Theo chính phủ Campuchia, dự án này nhằm chuyển hướng phần lớn hoạt động vận chuyển của họ ra khỏi Việt Nam.

“Việt Nam ủng hộ nỗ lực phát triển của Campuchia, cũng như tôn trọng việc Campuchia triển khai dự án xây dựng kênh đào Funan Techo,” phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt được VnExpressVietNam Net trích lời nói với các phóng viên ở Hà Nội hôm 8/8.

Thủ tướng Campuchia Hun Manet chủ trì lễ khởi công dự án tại Prek Takeo, ở phía nam thủ đô Phnom Penh, hôm 5/8 – cũng là ngày sinh nhật ông Hun Sen – và nói rằng họ sẽ xây dựng kênh đào này “bằng mọi giá.”

“Chúng tôi cũng mong muốn cùng phối hợp nghiên cứu, đánh giá tổng thể, toàn diện về những tác động của dự án và các biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động,” ông Việt nói, theo VnExpress và VietNamNet.

Giới khoa học và nghiên cứu tác động môi trường ở Việt Nam trước đây đã cảnh cáo rằng công trình này có thể làm suy giảm lượng nước chảy vào sông Mekong, mà Việt Nam gọi là Cửu Long, từ 30% đến 50%.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi đầu tháng 4 đã yêu cầu Campuchia chia sẻ thông tin về kênh đào này và đề nghị quốc gia láng giềng “hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và Ủy ban sông Mekong” trong việc chia sẻ đáng giá tác động của dự án đối với tài nguyên nước và hệ sinh thái ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trung tâm nghiên cứu Stimson có trụ sở ở Washington của Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về “tác động xuyên biên giới” của kênh đào này đối với nguồn nước và sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi cung cấp 90% lượng lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam.

“Việt Nam mong muốn các quốc gia ven sông, trong đó có Campuchia cùng nhau hợp tác quản lý, phát triển hiệu quả và bền vững nguồn nước sông Mekong vì lợi ích của cộng đồng người dân trên khu vực sống cũng như vì tương lai của các thế hệ mai sau và tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia bên sông,” ông Việt được các báo trích lời nói tại buổi họp báo thường kỳ.

Ngoài ra cũng có những lo ngại về mặt địa chính trị từ phía Việt Nam, theo các nhà quan sát, dù các lãnh đạo Việt Nam chưa bao giờ công khai lên tiếng về điều này.

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, chủ tịch Viện nghiên cứu VietKnow, nói với VOA hôm 5/8 rằng có “ảnh hưởng địa chính trị từ sự hợp tác giữa Campuchia với Trung Quốc, liên quan đến vấn đề an ninh, quân sự trong mối tương quan của hai nước.” Nhà nghiên cứu an ninh và hợp tác quốc tế này cho rằng “phía Việt Nam đã và đang xem xét rất cẩn thận.”

Báo The Strait Times của Singapore hồi tháng 4 nhận định rằng kênh đào của Campuchia sẽ là cửa ngõ cho hải quân Trung Quốc tiếp cận biên giới Việt Nam. Tuy nhiên, ông Hun Sen sau đó bác bỏ thông tin cho rằng kênh đào sẽ tạo thuận lợi cho hải quân Trung Quốc hoạt động gần biên giới Việt Nam và nói rằng dự án hoàn toàn phục vụ các mục đích kinh tế xã hội của Campuchia.

Chính phủ Campuchia hy vọng dự án, có chiều dài 180km và dự kiến đi vào hoạt động năm 2028, có thể thúc đẩy phát triển kinh tế bằng cách cải thiện vận tải hàng hóa và du lịch sinh thái cũng như tạo ra khoảng 5 triệu việc làm. Tại lễ động thổ hôm 5/8, ông Hun Manet nói rằng kênh đào này sẽ thúc đẩy “uy tín quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ và sự phát triển của Campuchia.”

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG