Đường dẫn truy cập

VietAbroader thu hút nhân tài về Việt Nam


VietAbroader thu hút nhân tài về Việt Nam
VietAbroader thu hút nhân tài về Việt Nam

Trà Mi xin chào những người bạn của Tạp chí Thanh Niên trên đài VOA tối thứ ba hằng tuần. Trong chương trình hôm nay, Trà Mi sẽ giới thiệu đến quý vị và các bạn những gương mặt trẻ trong tổ chức mang tên VietAbroader với sứ mạng hỗ trợ sinh viên Việt Nam đi du học đồng thời thu hút nhân tài về nước.

VietAbroader là một tổ chức phi lợi nhuận do các bạn du học sinh Việt Nam tại Mỹ thành lập và điều hành từ năm 2004. Tới nay tổ chức này đã thu hút hơn 20 ngàn thành viên trên mạng từ khắp nơi trên thế giới. Trong những năm đầu, hoạt động chính của các bạn là hằng năm tổ chức các hội thảo trong nước để chia sẻ thông tin về du học và học bổng cho các bạn sinh viên-học sinh Việt Nam muốn qua Mỹ học tập. Từ năm 2008 đến nay, VietAbroader mở thêm các buổi hội thảo giới thiệu về môi trường kinh doanh và làm việc tại Việt Nam, với mong muốn trở thành một nhịp cầu kết nối các nhà đầu tư với các bạn trẻ Việt Nam tại Mỹ, khuyến khích nguồn lực chất xám trẻ ở nước ngoài về đóng góp phát triển đất nước. Năm nay, các du học sinh trong VietAbroader hợp tác với Hội Sinh viên Luật Châu Á tổ chức Hội thảo Hướng nghiệp đầu tiên ở Mỹ vào ngày 24-25 tháng này tại Trường Luật Đại học New York để tạo điều kiện trao đổi cơ hội việc làm giữa các doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận nước ngoài có hoạt động tại Việt Nam với sinh viên và doanh nhân trẻ tại Hoa Kỳ.

Giới thiệu về môi trường làm việc tại Việt Nam và thu hút nguồn lực trẻ về nước làm việc là một nét mới, một ý tưởng thú vị và độc đáo mà Trà Mi muốn chia sẻ với các bạn qua cuộc trò chuyện với 3 thành viên nồng cốt trong VietAbroader, 3 du học sinh tại Hoa Kỳ đến từ 3 miền đất nước là Huỳnh Minh Việt, người Quảng Nam, Nguyễn Thu Trang, một cô gái Hà Nội, và Nguyễn Minh Khang, quê ở Bến Tre. Cả ba bạn trẻ này đã tốt nghiệp và đều quyết định sẽ quay về phục vụ đất nước. Hiện họ đang lưu lại Mỹ làm việc cho các công ty tư vấn tài chính-kinh tế với ý định học hỏi kinh nghiệm.

Trà Mi: Môi trường làm việc tại Việt Nam so với Mỹ có nhiều khác biệt. Các bạn giới thiệu với những người ở Mỹ về môi trường làm việc này, theo các bạn, nó có những điểm nào thu hút?

Khang: Môi trường làm việc tại Việt Nam rất tốt, rất sôi động, rất nhiều cơ hội, và rất trẻ. Cho nên cả Khang, Việt, và Trang đều rất muốn về Việt Nam. Tụi mình cũng nói với rất nhiều bạn ở đây rằng Việt Nam mình nếu so với các nước như Singapore hay Nhật thì nói chung là chưa bằng. Tuy nhiên, Việt Nam là nước trẻ rất nhiều cơ hội. Nếu các bạn muốn tạo dấu ấn riêng cho mình thì đây là một đất nước rất tuyệt vời. Rất nhiều bạn Việt kiều ở đây mà tụi mình biết cũng như những người Mỹ đều rất muốn về Việt Nam bởi vì Việt Nam là một nước đang phát triển.

Trà Mi:
Bạn cho rằng một trong những nét ưu điểm của môi trường làm việc tại Việt Nam là trẻ và nhiều cơ hội. Nhưng ngoài ra, một yếu tố không thể bỏ qua đối với một cá nhân khi tìm việc làm đó là mức lương.

Khang: Mức lương ở Việt Nam có thể là không cao bằng ở Mỹ, nhưng mức sống tại Việt Nam rất thấp. Cho nên, các bạn có thể sống rất thoải mái.

Trà Mi:
Cũng có nhiều người, nhất là người trẻ, trăn trở về một môi trường làm việc có nhiều cơ hội phát triển về kỹ thuật cũng như kỹ năng của người lao động.

Khang: Mình nghĩ môi trường làm việc tại Việt Nam hoàn toàn rất…nói chung bây giờ những công ty Mỹ như Intel hay các tập đoàn tài chính thế giới đều mong muốn đến Việt Nam vì có rất nhiều cơ hội phát triển. Nếu nói về cơ hội phát triển kỹ năng của mỗi người thì tất nhiên tại một nước đang phát triển sẽ có rất nhiều cơ hội đó. Còn Việt có ý kiến nào khác không?

Hội thảo du học đầu tiên của VietAbroader, 2005
Hội thảo du học đầu tiên của VietAbroader, 2005

Việt: Bây giờ hầu hết mọi việc, nhất là các công việc chất xám đều làm và giao lưu qua mạng internet. Bây giờ khi đã có internet rồi thì mọi nơi đều như nhau. Rất nhiều việc có thể làm ở Mỹ được cũng có thể làm ở những nơi khác được. Đó là lý do tại sao nhiều công ty ở đây outsource ở các nơi như Trung Quốc, Ấn Độ, hay Việt Nam. Các công ty hàng đầu trên thế giới như Intel, Samsung, thậm chí công ty Việt đang làm là Morgan Stanley, đã gửi rất nhiều người về Việt Nam. Vì vậy, tụi mình rất tự tin rằng cơ hội làm việc tại Việt Nam bây giờ đã rất phát triển rồi, mà nguồn nhân lực cũng tốt dần.

Trà Mi:
Theo mình được biết một trong những điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cũng là do nguồn lao động giá rẻ tại Việt Nam. Trước những cơ hội đầu tư từ nước ngoài, là nguồn lực chất xám trẻ, theo các bạn, làm thế nào để chất xám và năng lực của người lao động Việt không bị đánh giá thấp hơn so với những nước khác?

Việt: Mình có thể nhìn thấy ví dụ như Trung Quốc trước đây gửi rất nhiều người đi du học. 10 năm gần đây rất nhiều người thành công ở nước ngoài quyết định quay trở về Trung Quốc để làm việc. Đó là xu hướng mà Việt thấy rất hay. Tại Việt Nam, mặc dù cơ sở hạ tầng đang phát triển và nguồn nhân lực trong nước rẻ hơn, nhưng nhiều người đã có cơ hội đi học ở nước ngoài như tụi mình. Với những kinh nghiệm đó, nếu có cơ hội làm việc rất tốt ở Việt Nam, thì cũng như nhiều doanh nhân nổi tiếng ở Trung Quốc, bọn mình rất hy vọng sẽ thành công trong nước.

Trà Mi:
Bạn nói tới xu hướng ở Trung Quốc. Bây giờ nhìn lại xu hướng ở Việt Nam, có một thực tế mà nhiều người đang quan tâm. Đó là những người trẻ có cơ hội, có năng lực, được đào tạo bài bản ở nước ngoài tỷ lệ quay về nước hơi thấp. Đây là thực trạng chảy máu chất xám…

Việt: Cái đó rất là đúng…

Khang: Thật sự cũng khó nói có chảy máu chất xám hay không vì tụi mình cũng chưa đọc được một tài liệu nghiên cứu chính xác nói rằng có hiện tượng chảy máu chất xám. Nhưng trong những năm gần đây bạn bè của mình sang Mỹ, Pháp, hay Anh học xong trở về Việt Nam rất nhiều.

Trà Mi: Con số bạn đang nói tới là những bạn bè, những người mà bạn quen biết. Nhưng nhìn vào các số liệu chung của chính nhà nước Việt Nam công bố qua những bài báo và nghiên cứu chính thống của nhà nước thì tỷ lệ du học sinh quay trở về rất thấp.

Khang: Mình thật sự chưa đọc bao giờ nên cũng không biết nữa.

Trà Mi:
Bạn chưa có được thông tin đó. Còn những người bạn khác thì sao?

Việt:
Nhưng một điều rất quan trọng với lớp trẻ bây giờ, nhất là những người có học vấn và kinh nghiệm việc làm ở những nơi bài bản thì hầu như bọn mình có thể sinh sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Và nếu có thể sinh sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới thì lớp trẻ thường chọn những nơi nào mà mình có cơ hội phát triển tốt nhất.

Trà Mi: Vâng, đó cũng là lý do mà nhiều người quyết định ở lại các nước mà họ du học, vì họ so sánh điều kiện đầu tiên là mức lương, kế đó là điều kiện sống, điều kiện phát triển, cơ hội phát triển tương lai. Nói tới đây, nhiều người cũng băn khoăn là ở Việt Nam có luật bất thành văn rằng nếu không có “quan hệ tốt” thì cũng khó có được cơ hội tốt, vị trí tốt.

Khang: Điều đó hoàn toàn không chính xác. Khang cũng quen rất nhiều bạn đã về Việt Nam làm việc bình thường, hoàn toàn thoải mái, và không gặp bất kỳ một cản trở nào cả.

Việt: Điều này không chỉ với người Việt Nam đi học ở nước ngoài về, mà cả những Việt kiều bạn rất thân của bọn mình sinh ra lớn lên ở Mỹ đã về Việt Nam làm việc trong mấy năm gần đây cũng rất muốn ở lại Việt Nam.

Trang: Chẳng hạn như bọn em làm việc ở Mỹ cũng chỉ là một trong số hàng triệu người khác đang làm việc tại đây. Nếu bọn em, những người đã đi du học, mà quay về Việt Nam, thì với vốn tiếng Anh, vốn tiếng Việt, và văn hóa cả hai nước, sẽ có nhiều cơ hội tại Việt Nam.

Trà Mi: Là thành phần trong nguồn lực trẻ Việt Nam, các bạn nhận xét như thế nào về nguồn lực này? Có những điểm mạnh và điểm yếu như thế nào?

Việt: Điểm mạnh là làm việc cực kỳ chăm chỉ và quyết tâm. Bây giờ có internet, mọi người ở Việt Nam cũng có thể học được mọi thông tin. Và khi đã có ý chí quyết tâm thì có thể học được bất cứ cái gì. Còn hạn chế thì, bọn mình may mắn được đi học ở các nước nên có tầm nhìn rộng hơn, nhìn được nhiều nước khác nhau. Nếu nguồn nhân lực Việt Nam có cơ hội đi lại nhiều hơn, nhìn thấy các nước nhiều hơn thì có thể phát huy hơn.

Trà Mi:
Đó là ghi nhận của Việt, còn Khang thì sao?

Khang: Điểm mạnh của giới trẻ ở Việt Nam là rất lạc quan, đều muốn đóng góp cho đất nước. Điểm yếu thì có lẽ là do Việt Nam là một nước đang phát triển nên có nhiều bạn học rất giỏi nhưng không có điều kiện, không có cơ hội sang những nước khác du học. Cho nên, vấn đề sinh ngữ thì có chút cản trở, nhưng nói chung điểm mạnh rất nhiều. Điểm yếu cũng có nhưng không quan trọng.

Trang:
Từ 2005, hè năm nào bọn em cũng tổ chức các buổi hội thảo ở Việt Nam, được gặp gỡ rất nhiều các bạn du học sinh và các bạn đang làm việc tại Việt Nam. Bọn em thấy các bạn rất tin tưởng vào tương lai nền kinh tế của Việt Nam.

Trà Mi: Theo các bạn, cần phải làm gì để khắc phục được những hạn chế hoặc để phát huy hơn nữa những điểm mạnh vốn có, hầu thu hút hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài về thị trường Việt Nam?

Hội thảo du học đầu tiên của VietAbroader, 2005
Hội thảo du học đầu tiên của VietAbroader, 2005

Việt: Điều mình mong muốn là nguồn nhân lực tuổi trẻ Việt Nam có cơ hội được nhìn thấy kinh nghiệm ở nhiều nước khác nhau. Một điều mà VietAbroader rất tâm huyết và muốn tạo điều kiện cho nhiều người hơn nữa có nguyện vọng đi du học ở nước ngoài để sau đó dùng những tầm nhìn mới và kinh nghiệm về Việt Nam làm việc. Đó là lý do tại sao hằng năm bọn mình vẫn về Việt Nam làm những hội thảo du học để khuyến khích nhiều bạn học sinh đi du học hơn nữa.

Trà Mi: Theo Việt, một trong những phương cách giúp phát huy, phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam là tạo cơ hội cho những người trẻ được ra nước ngoài học tập. Nhưng làm cách nào để thu hút họ quay trở về nước đóng góp cho quê hương sau khi đã lĩnh hội được những điều hay, điều tốt ở nước ngoài?

Khang:
Mình nghĩ chuyện này không khó. Việt Nam là quê hương nên trở về Việt Nam coi như là chuyện tự nhiên thôi.

Trà Mi:
Vì mình đã có sẵn sự gắn bó với quê hương rồi. Nhưng có một thực tế là khi mình có cơ hội tốt hơn thì dễ bị thu hút bởi những cơ hội đó. Đây cũng là lý do vì sao nhiều người không muốn trở về nước sau khi ra nước ngoài học tập. Đối với những người bạn trẻ đó, các bạn có những tâm tình như thế nào?

Trang: Với các bạn đó, em muốn mời các bạn đến dự hội thảo hướng nghiệp của VietAbroader năm nay. Tại hội thảo này, bọn em mời các công ty có văn phòng ở Việt Nam đến để trình bày với các bạn, cho thấy rằng cơ hội ở Việt Nam có rất nhiều.

Trà Mi: Đối với các bạn trẻ du học sinh và các bạn sinh trưởng tại Mỹ đến với hội thảo này, các bạn sẽ trình bày những gì với họ để thu hút họ về Việt Nam làm việc?

Việt:
Những người đến tham dự gồm 3 nhóm: học sinh-sinh viên từ Việt Nam sang đây học, những Việt kiều sinh ra lớn lên ở đây muốn tìm hiểu thêm về cơ hội việc làm và kinh tế trong nước, và những người nước ngoài muốn tìm hiểu thêm về Việt Nam. Tụi mình tạo điều kiện để những người này nói chuyện với những người trước đây từng đi học và đi làm ở Mỹ đã về Việt Nam làm việc. Thứ hai, tụi mình tạo điều kiện cho những người tham dự giao lưu với các công ty không chỉ của nước ngoài như Samsung mà cả các công ty trong nước như FPT hay Vinagame. Như vậy, Việt Nam, Việt kiều, và người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm và suy nghĩ của họ với những người đang làm và học ở nước ngoài. Mình nghĩ điều này rất có ý nghĩa.

Trà Mi: Ngoài phạm vi nhỏ của VietAbroader thu hút người tài về Việt Nam như chí hướng các bạn đang theo đuổi. Là những người trẻ trong nguồn lực Việt Nam đang học tập ở nước ngoài, theo các bạn, nói một cách rộng hơn thì cần có những điều kiện cần và đủ như thế nào để có thể thu hút nhiều nhân tài về cống hiến cho đất nước hơn nữa?

Khang:
Làm cách nào để thu hút sự quay về của các bạn cũng không biết giải thích thế nào nhưng mình thấy mọi chuyện đang rất lạc quan đó chứ, không có gì đáng lo cả.

Việt: VietAbroader chỉ làm được một việc rất nhỏ thôi. Mong muốn của bọn mình là có nhiều người hơn nữa làm những việc tương tự, tạo điều kiện cho các công ty của nhà nước, công ty nước ngoài tại Việt Nam giao lưu, nói chuyện trực tiếp với những người đang học và đang làm ở nước ngoài, không chỉ ở Mỹ. Như vậy sẽ tốt hơn. Hy vọng nhiều người, nhiều tổ chức ở Việt Nam và nước ngoài sẽ tiếp tục xu hướng này.

Trà Mi: Sau những hội thảo về du học tại Việt Nam để giới thiệu với các bạn trong nước về môi trường học tập bên ngoài, đến các hội thảo hướng nghiệp để giới thiệu với người bên ngoài về môi trường làm việc tại Việt Nam. Sắp tới đây, VietAbroader có những kế hoạch nào cho tương lai?

Trang: Bọn em sẽ tiếp tục phát triển hai chiều hướng song song này. Ngoài ra, còn có một chương trình gọi là “thực tập sinh” tại Việt Nam, để đưa các bạn ở Mỹ về Việt Nam thực tập. Đó cũng là một cầu nối rất quan trọng.

Việt: Mời các bạn vào thăm website của VietAbroader www.vietabroader.org.

Khang: VietAbroader sẽ tạo cơ hội cho các bạn Việt Nam, Việt kiều, người nước ngoài, những người thích kết bạn với nhau cùng chung ý hướng xây dựng Việt Nam vững mạnh hơn.

Trà Mi:
Xin cảm ơn các bạn rất nhiều.

Đã đến giờ Tạp chí Thanh Niên phải chia tay với các bạn và với quý độc giả của đài VOA. Tối thứ ba tuần sau, Trà Mi và những người bạn mới sẽ chờ đón quý vị trên làn sóng này. Các bạn đừng quên giờ hẹn, các bạn nhé.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG