Đường dẫn truy cập

Việt Nam có nên đóng cửa biên giới với Trung Quốc để ngăn corona?


Cửa khẩu biên giới Hữu Nghị. Photo CafeF
Cửa khẩu biên giới Hữu Nghị. Photo CafeF

Hiện có những tranh cãi liệu Việt Nam có nên đóng cửa biên giới với Trung Quốc hay không, sau khi các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nga… tuyên bố đóng cửa biên giới với Trung Quốc để ngăn chặn dịch bệnh corona, dẫn tới lời kêu gọi Việt Nam thực hiện hành động tương tự. Tuy nhiên, các chuyên gia đưa ý kiến khác nhau về việc Việt Nam đóng cửa biên giới với Trung Quốc.

Từ Tp. Hồ Chí Minh, bác sĩ Đinh Đức Long, cho VOA biết nhận định của ông:

“Nếu được thì nên đóng cửa biên giới một cách kịp thời. Đóng cửa biên giới vì lợi ích dân tộc và lợi ích sức khỏe.

“Đóng cửa vẫn tốt hơn là để cho người ta vào, lại phải kiểm tra người ta xem có lây nhiễm không, nếu có lại phải cách ly 14 ngày.

“Họ vào chẳng giải quyết được cái gì, cách ly họ thì mình lại bị tốn tiền chăm sóc cho họ.

“Nhà nước cũng đã lường hết cả rồi, họ phải cân nhắc thiệt hơn. Nhưng rõ ràng là chưa đóng cửa biên giới có rủi ro cao hơn là đóng cửa.”

Nếu được thì nên đóng cửa biên giới một cách kịp thời. Đóng cửa biên giới vì lợi ích dân tộc và lợi ích sức khỏe.
BS Đinh Đức Long


Việt Nam có đường biên dài 1.449km dọc theo 7 tỉnh phía bắc với Trung Quốc – quốc gia phát tán dịch virus corona ra 27 nước trên thế giới, khiến hơn 40 ngàn người nhiễm bệnh, và hơn 900 người tử vong.

Tính đến này 10/2, Việt Nam đã có 14 ca nhiễm corona, đa phần do lây nhiễm từ trung tâm bùng phát dịch corona ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc.

“Không có bất kỳ lý do gì để chúng ta chậm chạp hoặc thỏa hiệp trên tính mạng của nhân dân,” Steven Nguyễn viết trên trang Viet Star USA.

Từ Sydney, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, một chuyên gia hàng đầu trong cộng đồng người Việt ở Úc về dịch tễ học, nói với VOA:

“Nhiều người, kể cả cư dân mạng đòi Việt Nam nên đóng cửa biên giới. Nhưng khách quan mà nói, dựa vào các mô hình dịch tễ học sử dụng các giả định với các tham số khác nhau thì nếu đóng cửa biên giới thì giảm được bao nhiêu ca…

“Dựa vào các tính toán này, bất cứ chuyên gia dịch tễ học nào, cũng cho rằng việc đóng cửa biên giới không hiệu quả trong việc ngăn ngừa dịch bệnh như chúng ta tưởng.”

Bất cứ chuyên gia dịch tễ học nào cũng cho rằng việc đóng cửa biên giới không hiệu quả trong việc ngăn ngừa dịch bệnh như chúng ta tưởng.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn


Bác sĩ Đinh Đức Long nhận định rằng lý do chính trị trong mối quan hệ mật thiết giữa Bắc Kinh và Hà Nội có thể là nguyên nhân chính khiến biên giới hai bên chưa thể đóng lại trong giai đoạn bùng phát dịch corona:

“Nga, Mông Cổ, và Hoa Kỳ họ đã làm mà sao mình chưa làm… có lẽ là do yếu tố chính trị quyết định.

“Nhiều khi ở Việt Nam, cương lĩnh của Đảng đặt cao hơn Hiến pháp và pháp luật.

“Xét về Luật thì Luật cho phép làm điều đó. Nhưng họ không làm hoặc chưa làm. Điều này không ai biết nhiều hơn những người lãnh đạo quốc gia.”

Tuy nhiên, ở góc nhìn khoa học, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết:

Theo sự tính toán của tôi – tất nhiên, tôi tính toán đơn giản thôi vì tôi không có nhiều dữ liệu – thì tôi nghĩ cũng vậy [không nên đóng cửa biên giới]. Cho dù mình có đóng cửa biên giới đi chăng nữa thì số ca thì số ca giảm được dao động từ 10-25% mà thôi.

“Tất nhiên đối với công chúng thì con số này cũng là tốt rồi. Nhưng đối với dịch bệnh thì con số này không đáng kể.

“Ngoài ra, cũng có những lý do về chính trị; những người cầm quyền cần phải làm cái gì đó để hài lòng người dân.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nói: “Một số nước như Mỹ, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Nga… đã đóng cửa biên giới. Các cách họ làm không dựa vào khoa học, mà có lẽ là dựa vào các lý do chính trị thì đúng hơn.”

Một số nước như Mỹ, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Nga… đã đóng cửa biên giới. Các cách họ làm không dựa vào khoa học, mà có lẽ là dựa vào các lý do chính trị thì đúng hơn.
GS Nguyễn Văn Tuấn


Trong khi đó, các quốc gia không có chung biên giới với Trung Quốc như Đài Loan, Singapore, Philippines, Malaysia,… cũng dừng cấp thị thực cho công dân Trung Quốc.

Hiện tại Việt Nam chỉ áp dụng biện pháp cách ly đối với người quá cảnh hay nhập cảnh từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày, ngoài việc tạm thời không giải quyết cấp thị thực du lịch vào Việt Nam đối với những người đến từ vùng dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.

Tuy Việt Nam – Trung Quốc chưa chính thức đóng cửa biên giới, nhưng việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, hoạt động trao đổi cư dân biên giới tại một vài cửa khẩu phụ ở Lạng Sơn như Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình bị ách tắc trong mấy tuần qua do lo ngại dịch bệnh viêm phổi cấp virus corona đang diễn biến phức tạp và sẽ tiếp tục tình trạng đóng cửa cho đến cuối tháng 2/2020, báo Lao động dẫn lời cơ quan chức năng của Trung Quốc cho biết hôm 8/2.

Trong khi đó cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Chi Ma, cũng ở Lạng Sơn, vẫn diễn ra hoạt động giao thương bình thường nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt về công tác phòng chống dịch của lực lượng chức năng hai bên.

Bộ Công thương Việt Nam nhận định với báo chí trong nước rằng quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới của chính quyền 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam dự kiến sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc xuất khẩu các loại nông sản của Việt Nam.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: “Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương.

Ông Phạm Bình Minh được báo chí trong nước trích lời nói thêm: “Việc đóng cửa biên giới phải liên quan đến 2 tình hình là an ninh và dịch bệnh nhưng phải có thỏa thuận 2 nước, báo trước 5 ngày”.

Dịch corona có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho du lịch VN
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:08 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG