Đường dẫn truy cập

Lạm phát ở Việt Nam là ‘nguy cơ có thật’


Các kinh tế gia Việt Nam hôm thứ Ba đã cảnh báo tình trạng lạm phát gia tăng, giữa lúc các số liệu mới nhất cho thấy chỉ số giá tiêu dùng ở TP HCM tăng 1.68% trong tháng Hai, tức là mức tăng hàng tháng cao nhất trong vòng 17 tháng qua.

Theo hãng thông tấn DPA của Đức, con số đó tăng so với chỉ số ghi nhận được hồi tháng Giêng là 1.27%.

Trả lời VOA Việt ngữ qua điện thoại từ Hà Nội, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nói ông cảm thấy ‘lo ngại về tình hình chỉ số giá cả tăng cao, với tốc độ tương đối nhanh’.

Tiến sĩ Doanh nói: "Ðó là hệ quả của một loạt các biện pháp điều chỉnh vừa qua. Trước Tết thì điều chỉnh tỉ giá, đấy là đợt điều chỉnh lần thứ hai trong vòng ba tháng. Việt Nam nhập siêu, cho nên các hàng hóa, vật tư, trang thiết bị của Việt Nam nhập đều tăng giá theo tỷ giá đó. Ngòai ra, nhà nước đã cho phép là nâng giá xăng, và ngày mùng một tháng Ba đây thì sẽ nâng giá điện, trong khi giá nước cũng đã tăng. Giá xăng trong ngày 21/2 vừa qua cũng đã tăng lên. Cho nên tôi nghĩ rằng tất cả các biện pháp này nó sẽ làm cho chỉ số giá cả không những đã tăng lên mà có thể còn tiếp tục tăng lên nữa. Cho nên lạm phát là một nguy cơ có thật, và cần phải hết sức xem xét trong thời gian tới đây."

Theo DPA, hôm 10/2, Việt Nam phá giá đồng nội tệ lần thứ hai với mức 5,4% so với đồng đôla. 11 ngày sau đó, hôm 21/2, giá xăng đã tăng thêm 590 đồng một lít. Đây là lần tăng giá thứ hai kể từ tháng Giêng. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định rằng các bước đi này sẽ khiến Việt Nam khó có thể kìm giữ tỷ lệ lạm phát như mục tiêu đặt ra.

Tiến sĩ Doanh cho biết: "Chính phủ đã có đề xuất và Quốc hội cũng đã đồng ý là giữ chỉ số lạm phát dưới 7%. Cho tới thời điểm này, tôi thấy sẽ rất khó mà giữ được cái mức chỉ số lạm phát 7% đó, bởi vì chỉ tính hai tháng cộng lại, thì cũng đã thấy là nó tương đối cao rồi. Nếu mà còn 10 tháng còn lại nữa thì sẽ chia nhau khoảng 4,5% mức tăng giá thì đấy là một việc rất khó khăn."

Ông Doanh còn nhận định rằng việc phá giá tiền Đồng sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài. Nhưng ông cũng cho rằng ‘tình hình kinh tế không hoàn toàn bi quan’.

Ông Doanh nói thêm: "Tôi nghĩ rằng cơ hội tăng trưởng là có thực do nền kinh tế thế giới hồi phục và xuất khẩu có thể mở rộng cũng như đầu tư nước ngoài có thể tăng lên. Điều cơ bản là Việt Nam phải có một quyết tâm chính trị và phải thực hiện những biện pháp cải cách. Những biện pháp cải cách này thì đã có ý kiến đề xuất là phải cơ cấu lại nền kinh tế. Vấn đề ở đây là, cải cách thì bao giờ cũng phải trả giá và có thể có một số những doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả sẽ cần phải điều chỉnh. Và đấy có lẽ là một trong những vấn đề khó khăn mà sắp tới đây sẽ cần phải xem xét."

Nguồn: DPA, VOA Interview

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG