Đường dẫn truy cập

Việt Nam sẽ ban hành ‘Bộ quy tắc tham gia mạng xã hội’ trong năm 2020


Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng. Photo VTC.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng. Photo VTC.

Hôm 6/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ ban hành “Bộ quy tắc tham gia mạng xã hội” trong năm 2020 yêu cầu định danh người dùng mạng và rằng trong nỗ hợp tác với Việt Nam nhằm “làm sạch” không gian mạng, Facebook đã tăng cường gỡ tin bài năm 2020 gấp 30 lần so với năm 2017.

“Cùng với phát triển các công cụ kỹ thuật để rà quét thông tin, năm nay sẽ ban hành Bộ quy tắc tham gia mạng xã hội để mọi người hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ của mình,” Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng được báo Tuổi Trẻ dẫn lời cho biết tại phiên chất vấn của Quốc hội vào chiều 6/11.

Reuters: Bị VN ‘bóp’ băng thông, Facebook tăng kiểm duyệt
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:27 0:00

Trang VNExpress dẫn lời ông Hùng nói: “Bộ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, yêu cầu định danh người dùng mạng xã hội. Đây là giải pháp căn cơ, để người sử dụng không còn nghĩ rằng lên mạng xã hội là vô danh để rồi vô trách nhiệm.”

Đề án xây dựng “Bộ quy tắc tham gia mạng xã hội” đã được báo chí Việt Nam nhắc đến từ năm 2018. Đó là bộ quy tắc không mang tính chế tài, nhưng chủ yếu “hướng đến các tiêu chuẩn đạo đức,” với nội dung hướng dẫn cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội.

Bộ trưởng Hùng khẳng định rằng thời gian qua Bộ xác định việc “làm sạch” không gian mạng là nhiệm vụ trọng tâm và “đã làm rất quyết liệt,” cũng theo Tuổi Trẻ.

“Về kỹ thuật, đã nâng cấp trung tâm xử lý, mỗi ngày có thể sàng lọc được 300 triệu tin,” ông Hùng nói.

Ông cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã làm việc “cứng rắn” với các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là Facebook và YouTube, yêu cầu gỡ bỏ thông tin “xấu, độc” và rằng tỉ lệ gỡ bỏ thông tin này tăng lên hàng năm, theo trang VNExpress.

“Số lượng tin bài mà Facebook đã phải gỡ năm 2020 tăng 30 lần so với năm 2017; số trang giả mạo được gỡ bỏ cũng tăng 8 lần,” cũng theo lời ông Hùng.

Các nhà hoạt động cho tự do báo chí Việt Nam nói với VOA rằng việc hình thành cái gọi là “Bộ quy tắc tham gia mạng xã hội” là những biện pháp cứng rắn và liên tiếp của chính quyền nhằm “chèn ép” tự do ngôn luận, song song với các bộ luật mang tính chế tài cao như Luật hình sự, Luật An ninh mạng, Luật Báo chí… và các quy định pháp luật khác.

Từ Hà Nội, nhà hoạt động Trần Bang, nêu nhận định:

“Thêm cái Quy tắc này nữa họ lại càng có cơ sở khiến cho những người hoạt động vì tự do ngôn luận bị chèn ép và khó phát biểu. Mỗi khi họ ra quy định nào đều ảnh hưởng đến những người hoạt động trên mạng truyền thông.”

Liên quan đến việc Facebook được cho là đã tăng cường gỡ bài nhiều gấp 30 lần so với 3 năm trước đây, nhà hoạt động Trần Bang nói:

“Facebook vì đồng tiền mà phối hợp với nhà nước độc tài để bóp nghẹt tiếng nói của người dân là điều chúng tôi phản đối.”

Trao đổi với VOA từ Thái Lan hôm 6/11, nhà báo tự do Đường Văn Thái, cho biết: “Như vậy cả Facebook và Google có sự “bắt tay không nhỏ” và chịu sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam.”

Vào tháng trước, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cho biết chỉ riêng trong 8 tháng/2020 có hơn 1.100 bài viết trên Facebook bị gỡ vì cho rằng các bài này “tung tin kích động chống phá Nhà nước.”

“Đối với Google, cụ thể là trên YouTube, Bộ đã ngăn chặn và gỡ bỏ 15.115 video vi phạm, gỡ bỏ 24 kênh YouTube phản động,” trang Thanh niên cho biết.

Nhà hoạt động Trần Bang nói:

“Bộ Thông tin và Truyền thông chịu sự quản lý của Đảng Cộng sản. Hễ cái mà nói đến hệ thống tư pháp của Đảng, các hành xử của công an, các chính sách hại dân, hèn với Trung Quốc… thì họ cho là tin không tốt, vi phạm quy định của họ thì họ gỡ, hay yêu cầu Facebook xóa bài.”

Ông Trần Bang nêu nguyện vọng: “Chúng tôi mong muốn công luận và giới làm luật Hoa Kỳ buộc Facebook tôn trọng các giá trị bảo vệ tự do nhân quyền, tự do ngôn luận mà Facebook đã đặt ra từ ban đầu.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG