Đường dẫn truy cập

Việt Nam tôn trọng quyết định rút khỏi TPP của Mỹ


Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đón Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng, 31/5/2017.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đón Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng, 31/5/2017.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói rằng Việt Nam tôn trọng quyết định của Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP.

Hôm 5/6, trong một cuộc phỏng vấn riêng với báo Nikkei của Nhật, ông Phúc nói rằng ông tôn trọng quyết định của Mỹ:

“Mỹ rút ra khỏi TPP, chúng tôi tôn trọng quyết định của phía Hoa Kỳ. Và việc tiếp tục bàn về TTP-11 nước, vấn đề này chúng tôi đang nghiên cứu. Chúng tôi đã giao cho Bộ Trưởng Thương mại làm việc với bộ trưởng thương mại các nước trong 12 nước để chúng ta tìm một phương án tốt nhất, cùng có lợi nhất cho các nước chúng ta, và sẽ có kết luận sau.”

Báo Nikkei dẫn lời Thủ tướng Phúc nói rằng chính phủ Việt Nam đang “cẩn trọng cân nhắc về việc nội dung nào trong TPP - có thể thương thảo lại sau khi Mỹ rút đi.”

Theo báo Nikkei, Việt Nam gia nhập TPP trong mục tiêu nhắm đến những lợi ích to lớn về xuất khẩu hàng dệt may cũng như nhiều sản phẩm khác vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên vào tháng 1 năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức rút Mỹ ra khỏi TPP.

Tổng thống Trump tuyên bố rút Hoa Kỳ ra khỏi TTP vào tháng 1/2017.
Tổng thống Trump tuyên bố rút Hoa Kỳ ra khỏi TTP vào tháng 1/2017.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bá Lộc cho VOA – biết vì sao Việt Nam vẫn mong muốn thắt chặt kinh tế với Mỹ, dù Mỹ không tham gia TPP:

“Sau khi Tổng Thống Trump rút Mỹ khỏi TTP thì Việt Nam rất lo ngại, rất mong có sự hợp tác, giúp đỡ từ Mỹ. Vì kinh tế Việt Nam đang suy sụp, từ 2011 tới nay rất khó khăn, và tương lai rất mù mịt, cho nên Hoa Kỳ là nước chính yếu có thể giúp Việt Nam cứu nguy nền kinh tế.”

Trong số những thành viên còn lại của TPP, chính phủ một số nước như Nhật, New Zealand rất muốn tiếp tục các vòng đàm phán cho TPP-11. Trước khi lên đường sang Tokyo, trả lời phỏng vấn của báo Nikkei và báo chí Nhật tại Việt Nam, Thủ tướng Phúc cho biết sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ Nhật và nhiều nước khác để hiện thực hóa TPP.

Thủ tướng Phúc cũng khẳng định “chính phủ các nước châu Á không nên để các rủi ro an ninh hay xu hướng bảo hộ cản trở nỗ lực củng cố quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới.”

Với Hoa Kỳ - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam – Thủ tướng Phúc nói với báo Nikkei rằng chính phủ sẽ xúc tiến đàm phán một thỏa thuận song phương. Nikkei cũng đánh giá cao việc gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trở thành lãnh đạo đầu tiên của ASEAN thăm và hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Nhà Trắng.

Ông Nguyễn Bá Lộc cho biết thêm việc Việt Nam luôn “trông chờ” vào thị trường Hoa Kỳ trong tương lai:

“Đầu tư nước ngoài của Hoa Kỳ ở Việt Nam cũng rất tích cực, hữu hiệu, cùng với lượng trao đổi mậu dịch của hai nước rất lớn, lên tới 40 tỷ đôla, Việt Nam vẫn trông chờ thị trường của Mỹ trong tương lai với một thỏa thuận tương tự như TPP.”

Ngoài ra, theo tờ Sankei, tối 5/6 nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam do Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tổ chức, đề cập đến TPP, Thủ tướng Phúc đã nói rằng: “Cho dù Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam vẫn mong muốn hợp tác với Nhật Bản để đi đến đích.”

Theo báo Tiền Phong, trả lời câu hỏi của Chủ tịch Tập đoàn Sumitomo Kuniharu Nakamura về quan điểm của Việt Nam đối với TPP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng: “Việc Mỹ rút khỏi TPP là điều mà Việt Nam không mong đợi, song cho dù không có Mỹ tham gia, Việt Nam vẫn muốn các cân nhắc việc xúc tiến thỏa thuận này.”

Quanh cảnh sau một phiên họp 11 nước TPP, Hà Nội, Việt Nam, 21/5/2017
Quanh cảnh sau một phiên họp 11 nước TPP, Hà Nội, Việt Nam, 21/5/2017

Khi nói về vai trò của châu Á trong nền kinh tế toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chúng tôi thường nghe về giấc mơ Mỹ hay giấc mơ Trung Quốc, nhưng dường như trên các phương tiện thông tin đại chúng, giấc mơ Myanmar, giấc mơ Lào, giấc mơ Campuchia hay giấc mơ Việt Nam hầu như không được nói đến. Tôi tin rằng trong tương lai, Châu Á sẽ là một khu vực - nơi giấc mơ của tất cả các quốc gia, lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển, tất cả đều sẽ được lắng nghe và tôn trọng."

"Lịch sử chứng minh dù chúng ta phản đối hay ủng hộ toàn cầu hóa, xu thế này vẫn cứ diễn ra", báo Nikkei Asian Review dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong Hội nghị quốc tế về tương lai châu Á lần thứ 23 đang diễn ra tại Nhật Bản.

Về các vấn đề an ninh châu Á như tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và Hoa Đông hay căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Nikkei dẫn lời kêu gọi của Thủ tướng Phúc rằng các bên nên "hành động có trách nhiệm trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và phù hợp với luật pháp".

Nguồn: Asia Nikkei, VOV, Infonet, Tiền Phong

Việt Nam tôn trọng quyết định rút khỏi TPP của Mỹ
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:13 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG