Đường dẫn truy cập

VinFast lên tiếng trước các rắc rối pháp lý ở Mỹ, nói ‘đã quen với văn hóa kiện tụng’ tại Hoa Kỳ


Cửa hảng trưng bày chính của VinFast tại Mỹ ở Santa Monica, California. Hãng xe Việt Nam đang đối mặt với một số vụ kiện và điều tra ở Mỹ.
Cửa hảng trưng bày chính của VinFast tại Mỹ ở Santa Monica, California. Hãng xe Việt Nam đang đối mặt với một số vụ kiện và điều tra ở Mỹ.

VinFast nói họ đang hợp tác với các nhà điều tra an toàn ô tô của Mỹ trong vụ tai nạn gây chết người liên quan đến xe điện của hãng tại California hồi tháng trước, nhưng phản bác cáo buộc về việc không trả tiền thuê mặt bằng cũng như cho biết họ không lo ngại trước những khiếu nại pháp lý trong các vụ kiện của các nhà chức trách Mỹ.

Cục Quản lý An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia (NHTSA) hôm 19/4 mở một cuộc điều tra về mẫu xe điện đầu tiên của VinFast tại Mỹ chưa đầy một tháng sau khi 4 người trong một gia đình – gồm một đàn ông, một phụ nữ và hai trẻ em – thiệt mạng trong một vụ tai nạn ô tô ở khu vực Vịnh California.

Một khiếu nại, được NHTSA công bố trên trang web chính thức của cơ quan này đề ngày 29/4, cho biết tay lái của chiếc xe điện VF8 do VinFast sản xuất có thể có vấn đề trong vụ tai nạn, khiến cặp vợ chồng và 2 con của họ, tuổi 13 và 9, thiệt mạng.

Một người phát ngôn của VinFast cho VOA biết hãng xe của Việt Nam và NHTSA “đang hợp tác để xác định nguyên nhân của vụ tai nạn thương tâm ở Pleasanton.”

Cảnh sát Pleasanton ở California được Reuters trích lời cho biết rằng người lái xe trong vụ tai nạn dường như đã mất lái và đâm vào một cây sồi lớn trong khi tốc độ có thể là một nguyên nhân.

“NHTSA không điều tra VinFast,” người phát ngôn của VinFast cho VOA biết trong email khi được yêu cầu bình luận về vụ điều tra của cơ quan này.

Tương tự như những bình luận đã gửi tới một số cơ quan truyền thông của Mỹ đưa tin về sự việc, trong đó có CNN và CBS, đại diện của VinFast nói với VOA rằng “Cảnh sát Pleasanton hiện đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn và sẽ cho biết kết quả khi hoàn tất.”

Vẫn theo Reuters, cảnh sát nói rằng gia đình bị thiệt mạng trong vụ tai nạn không phải là chủ sở hữu chiếc xe VF8 và một đồng nghiệp của tài xế thiệt mạng đã gửi đơn khiếu kiện lên NHTSA. Cũng trong đơn khiếu kiện, người này nói rằng trong một vụ việc từng xảy ra trước đó, tay lái tự động chuyển sang bên phải nhưng người đồng nghiệp này đã lấy lại được quyền kiểm soát và lo ngại rằng vấn đề về tay lái đã tái diễn trong vụ tai nạn khiến gia đình 4 người tử vong.

Ngoài khiếu nại về vụ tai nạn, có khoảng 11 khiếu nại khác từ tháng 10/2023 đến nay về xe VF8 – dòng xe SUV 5 chỗ ngồi – được NHTSA đăng trên trang web, trong đó có những khiếu nại về các vấn đề liên quan đến tay lái và kiểm soát tốc độ.

VF8 là dòng xe điện duy nhất của VinFast bán ở thị trường Mỹ. Trong báo cáo doanh thu mới nhất đưa ra vào tháng 4, hãng xe khởi nghiệp của Việt Nam – hiện đang xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện ở North Carolina – không cho biết có bao nhiêu xe VF8 đã được giao tại Mỹ.

VinFast, bắt đầu được giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ từ tháng 8 năm ngoái, cũng đang đối mặt với một số vụ kiện tại nơi được xem là thị trường nước ngoài đầu tiên và lớn nhất của hãng xe này.

Nhà sản xuất xe của Việt Nam đang bị kiện tại tòa án California vì không trả hàng trăm nghìn USD tiền thuê cửa hàng theo đơn khiếu nại của công ty dịch vụ bất động sản SPG Center. Trong tuyên bố gửi tới VOA, VinFast nói cáo buộc này “không chính xác.”

Trong một phản hồi riêng rẽ qua email, người phát ngôn của hãng nói rằng khiếu nạn VinFast chưa trả tiền thuê mặt bằng là “không đúng và một chiều” cũng như cho biết doanh nghiệp này "có đầy đủ cơ sở để chứng minh đã thanh toán đầy đủ tiền thuê cho đến hết tháng 3/2024."

"Chúng tôi đã tạm dừng thanh toán tiền thuê kể từ tháng 4 năm 2024 do đang đàm phán với chủ nhà để sửa đổi hợp đồng thuê," người phát ngôn của VinFast nói. "Nhóm pháp lý của chúng tôi hiện đang xem xét vấn đề này và chúng tôi sẽ thực hiện hành động mạnh mẽ, bao gồm các biện pháp pháp lý, để bảo vệ các quyền hợp pháp của mình.”

Phó Tổng giám đốc VinFast kiêm Trưởng ban pháp chế tập đoàn Vingroup Hồ Ngọc Lâm hôm 22/5 được Tuổi Trẻ trích lời cũng khẳng định những điều tương tự.

SPG Center nói trong đơn khiếu nại rằng họ đã gửi cho VinFast thông báo thanh toán vào ngày 26/4 nhưng công ty này không thực hiện đúng yêu cầu của thông báo trước hạn chót vào ngày 1/5.

VinFast cũng bị kiện vì cáo buộc vi phạm bằng sáng chế của ArcelorMittal đối với nhôm được sử dụng trong dòng xe VF8.

Theo Tuổi Trẻ, trưởng ban pháp chế của Vingroup xác nhận thông tin này nhưng cho biết đây là vấn đề nảy sinh giữa ArcelorMittal và nhà cung cấp của VinFast. Bà Lâm giải thích rằng VinFast mua cấu kiện sử dụng thép mạ nhôm từ một nhà cung cấp uy tín và đây là loại thép mà ArcelorMittal nói họ nắm giữ bằng sáng chế.

Bà Lâm cho biết VinFast cam kết sẽ hợp tác và cung cấp mọi thông tin một cách minh bạch cho cơ quan chức năng của Mỹ khi có đề nghị.

Ngoài các rắc rối pháp lý trên, VinFast cũng bị hai công ty luật ở Mỹ kiện với cáo buộc “vi phạm luật chứng khoán”.

Trước lo ngại các khiếu nại pháp lý có thể ảnh hưởng đến hoạt động của VinFast tại Mỹ, bà Lâm cho biết công ty “hoàn toàn không lo lắng về viễn cảnh này,” theo VnEconomy.

“Những vụ kiện tụng tại Mỹ là rất phổ biến để giải quyết các vấn đề bất đồng trong hoạt động kinh doanh,” bà Lâm được VnEconomy trích lời nói, và cho rằng “không có gì cần lo ngại”.

“Chúng tôi hoạt động tại Mỹ nên cũng đã dần quen với văn hóa kiện tụng phổ biến tại đây, bao gồm cả khả năng khởi kiện chủ động nếu quyền lợi hợp pháp của VinFast bị xâm phạm.”

Cổ phiếu của VinFast đã giảm hơn 97% kể từ mức đỉnh ngay sau khi ra mắt khi vốn hóa thị trường của họ vượt qua cả nhà sản xuất ô tô truyền thống Ford của Mỹ hồi tháng 8 năm ngoái. Báo cáo cho biết VinFast có số nợ tổng cộng, gồm cả ngắn hạn và dài hạn, lên đến hơn 8,2 tỷ USD trong toàn bộ năm ngoái, tăng hơn 30% so với năm trước đó.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG