Đường dẫn truy cập

Việt Nam khánh thành tượng đài tôn vinh công an, nhưng giấu kinh phí


Hai cụm tượng đài này được cho là không ăn nhập gì với nhau. Ảnh chụp màn hình Zing
Hai cụm tượng đài này được cho là không ăn nhập gì với nhau. Ảnh chụp màn hình Zing

Bộ Công an Việt Nam vừa khánh thành tượng đài tôn vinh hình ảnh người công an ở trên một tuyến phố tấp nập giữa thủ đô Hà Nội nhưng lại giấu kín chi phí thực hiện tượng đài trong lúc có những ý kiến chỉ trích về công dụng cũng như tính thẩm mỹ của tượng đài này.

Tượng đài có tên là ‘Công an nhân dân vì dân phục vụ’ được ra mắt vào sáng ngày 17/7 trên phố Trần Nhân Tông ngay Công viên Thống nhất thuộc quận Hai Bà Trưng, nơi có nhiều người dân qua lại hay vào công viên chơi đùa.

Tượng đài được làm bằng đồng cao hơn 7 mét tính cả bệ tượng. Nó được cấu thành từ hai cụm riêng rẽ nhập chung lại, bao gồm cụm cảnh sát giao thông và cụm cảnh sát cứu hỏa đang làm việc. Tổng cộng, có bảy nhân vật kích thước lớn hơn người thật, gồm năm người công an và hai người dân để mô tả mối quan hệ ‘thắm thiết’ giữa công an với dân.

Cụm tượng cảnh sát giao thông khắc họa một cảnh sát giao thông đang điều tiết giao thông tại giao lộ và một cảnh sát khác đang dắt một bà cụ sang đường, trong khi cụm tượng cảnh sát cứu hỏa mô tả hai lính cứu hỏa đang dùng vòi phun nước chữa cháy và một người khác đang ẵm trên tay một em bé bước ra khỏi đám cháy.

Bức tượng được Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng khánh thành vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của Công an Việt Nam, trang mạng Công an nhân dân đưa tin.

Công an Việt Nam có nhiều đơn vị khác nhau, nhưng Bộ Công an chọn cảnh sát giao thông và cảnh sát phòng cháy-chữa cháy để khắc họa tượng đài chủ yếu là để mô tả tinh thần phục vụ, hy sinh của công an đối với dân vì hai lực lượng này gần dân nhất, ngày đêm tiếp xúc trực tiếp với người dân.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, được trang mạng Công an nhân dân dẫn lời nói tại buổi lễ khánh thành rằng tượng đài này ‘mang ý nghĩa chính trị, lịch sử, giáo dục truyền thống, nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ chiến sĩ’.

Trang mạng Zing dẫn lời Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy, phó cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác Chính Trị, Bộ Công an, nhận xét rằng tượng đài này ‘mang tính biểu tượng, khái quát cao, trang nghiêm, mang ý nghĩa chính trị, lịch sử truyền thống, có giá trị nghệ thuật’ và là ‘biểu tượng của sự dũng cảm, hy sinh vượt qua khó khăn, gian khổ’ của công an.

Tuy nhiên, ông Vi Kiến Thành, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, được tờ Thanh niên dẫn lời cho rằng tượng đài này ‘mang yếu tố tuyên truyền là chủ yếu, còn giá trị nghệ thuật không có gì mới’.

Ông Thành, vốn là thành viên hội đồng nghệ thuật tượng đài này, thừa nhận rằng đây là hai nhóm tượng lúc đầu được dự định làm riêng rẽ nhưng sau lại được ghép chung vào nhau.

VOA không thể xác minh chi phí thực hiện tượng đài ở Hà Nội, nhưng ở Việt Nam dư luận thường xôn xao về những bức tượng lên tới hàng chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ đồng từ tiền thuế của dân nhưng chỉ sau khi khánh thành một thời gian ngắn thì bị xuống cấp trầm trọng.

Cụm tượng đài ở Hà Nội chỉ là một trong hai cụm tượng đài tôn vinh công an. Cụm còn lại sẽ được ra mắt ở công viên Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh vào năm sau nhân kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh được cho là có ‘sáu điều dạy công an’.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG