Đường dẫn truy cập

VN sắp xử lý nghiêm sai phạm, bạo lực học đường sau các vụ đáng báo động?


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp chính phủ, 2/4/2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp chính phủ, 2/4/2019

Chính phủ Việt Nam hôm 2/4 phát đi tín hiệu rằng họ sẽ mạnh tay xử lý những sai phạm tại chốn học đường, sau khi báo chí đưa tin về một loạt vụ việc gây rúng động ở các trường khác nhau trong vài tuần trở lại đây.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong một cuộc họp chính phủ thường kỳ rằng các vi phạm trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo ở một số địa phương như tại Hưng Yên, Nghệ An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng “phải được xử lý nghiêm để làm gương, giữ kỷ cương phép nước”, theo tường thuật trên Báo Chính phủ, trang thông tin chính thức trên mạng của chính phủ Việt Nam.

Theo ghi nhận của VOA qua thông tin trên báo chí và mạng xã hội Việt Nam, điều Thủ tướng Phúc nhắc đến là một danh sách dài gồm hơn 10 vụ việc xảy ra từ đầu tháng 11/2018 đến nay.

Đấy là do nền giáo dục trọng hình thức ở Việt Nam. Bộ trưởng thì năng lực kém, ai cũng biết ... Tôi hy vọng những vị lãnh đạo hãy mở to mắt mà nhìn, mà cảm nhận rõ ràng sự việc này mà hãy làm việc thực sự để thay đổi đất nước.
Nhà văn Đoàn Bảo Châu, trên Facebook cá nhân

Trong đó nổi lên các vụ một nữ học sinh lớp 7 bị 3 nữ sinh lớn hơn đánh ở Nghệ An; một nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị 5 học sinh “lột đồ”, “đánh đập tàn bạo” đến mức phải đi cấp cứu; 22 học sinh lớp 8 bị giáo viên đánh cho “bầm tím” bằng thước ở thành phố Bà Rịa; một nữ giáo viên ở Quảng Bình bắt 23 học sinh lớp 6 tát 230 cái vào má một nam sinh; một cô giáo Hà Nội cho học sinh tát 50 cái vào mặt một học sinh lớp 2 ở trường; một thày giáo “có hành vi dâm ô” hàng chục học sinh nữ lớp 5 ở Bắc Giang; và một thày hiệu trưởng “xâm hại tình dục” nhiều học sinh nam ở Phú Thọ.

Trong cả năm 2018, theo thông tin VOA thu thập, cũng đã có hàng chục vụ việc khác gây kinh hoàng cho dư luận như giáo viên bắt học sinh quỳ hoặc uống nước giặt giẻ lau; học sinh bắt nạt, đánh hội đồng những em yếu thế; một số vụ học sinh bị xâm hại, hiếp dâm.

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam đặt câu hỏi trong cuộc họp hôm 2/4 rằng “Đây có phải vấn đề báo động không?” và nói thêm rằng “Những vấn đề xã hội nổi cộm như vậy khiến chúng ta phải suy nghĩ, chứ không chỉ kinh tế, mặc dù tăng trưởng kinh tế là vô cùng quan trọng”, theo Báo Chính phủ.

Đề xuất biện pháp giải quyết, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung được Báo Chính phủ dẫn lời nói rằng “cần xử lý ở mức cao nhất có thể đối với giáo viên, những người làm việc trong nhà trường có hành vi xâm hại trẻ em”.

Bộ trưởng Dung nhấn mạnh: “Chúng ta cần xử lý nghiêm minh thì mới ngăn chặn được chuyện này”, tin cho hay. Ông Dung cho biết trong thời gian tới bộ của ông sẽ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo lập các đoàn kiểm tra “kiên quyết xử lý các vi phạm trong vấn đề này”.

Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ

Người đồng cấp của ông Dung bên phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phùng Xuân Nhạ, đồng ý “cần xử lý nghiêm để răn đe, lập lại kỷ cương”.

Hệ thống giáo dục đó đã mục ruỗng đến tận đáy cùng của nó, vì mọi hệ giá trị đã bị nó đạp đổ và truy bức một cách không hề thương tiếc và dường như không có điểm dừng.
Luật sư Lê Văn Luân, trên Facebook cá nhân

Tin trên Báo Chính phủ cho hay, lý giải về những vụ việc thời gian qua, Bộ trưởng Nhạ nói chính phủ đã ban hành một nghị định về “môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng chống bạo lực học đường”; bên cạnh đó còn có 11 thông tư liên quan ở cấp bộ, ngành; nhưng theo ông Nhạ, việc tổ chức thực hiện các văn bản này “chưa nghiêm”, một số địa phương “chưa sâu sát” vấn đề này.

Trước phiên họp của chính phủ, Bộ trưởng Nhạ đã đến làm việc hôm 31/3 với trường trung học cơ sở ở tỉnh Hưng Yên nơi xảy ra vụ nữ sinh lớp 9 bị nhóm bạn đánh hội đồng. Theo báo chí trong nước, ông Nhạ khẳng định “đây là vụ việc nghiêm trọng” và là “bài học đau xót cho ngành giáo dục”.

Các báo đưa tin tại cuộc họp hôm 31/3, các quan chức đưa ra yêu cầu "xem xét làm quy trình cách chức đối với Ban giám hiệu nhà trường” và “giáo viên chủ nhiệm cần bị xử lý nặng hơn".

Những vụ việc ở chốn học đường gây kinh hoàng, phẫn nộ trong thời gian qua dẫn đến nhiều chỉ trích, phản ứng trong công luận. Luật sư Lê Văn Luân, người nổi tiếng vì thường xuyên bày tỏ ý kiến trên mạng về các vấn đề chính trị-xã hội, nhận xét rằng “hệ thống giáo dục đã mục ruỗng đến tận đáy của nó”.

Ông Luân quy trách nhiệm cho các hiệu trưởng, mà theo cách nhìn của ông, đó là những người che giấu các vụ việc để “cứu vãn thành tích” của các trường, và vì thế, đã “tiếp tay cho cái ác trỗi dậy”.

Ông bình luận thêm rằng các vị hiệu trưởng vẫn thường xuyên được giáo huấn về “đạo đức cách mạng và lý tưởng xã hội chủ nghĩa” song “những thứ đó đều trở thành vô dụng”.

Cùng có ý kiến về vấn đề này, võ sư kiêm nhà văn Đoàn Bảo Châu, có gần 105.000 người theo dõi qua Facebook, cho rằng nguyên nhân là “nền giáo dục trọng hình thức ở Việt Nam” và “bộ trưởng năng lực kém”.

Sâu xa hơn, ông Châu đưa ra quan điểm rằng vị bộ trưởng “cũng chỉ là một sản phẩm của bộ máy nâng đỡ nhau, kết bè cánh để kiếm lợi mà không tính đến lợi ích của đất nước”.

Vì vậy, ông Châu dự báo những sự việc tương tự “sẽ còn xảy ra nữa” bởi đó là “lỗi hệ thống”. Với góc nhìn của ông, việc Bộ trưởng Nhạ hay một quan chức nào đấy “phát biểu mấy câu, kỷ luật ai đấy” chỉ là một giải pháp chắp vá.

Tuy vậy ông Châu cho biết ông chưa hoàn toàn mất hết niềm tin, ông nói ông kêu gọi những nhà lãnh đạo “hãy mở to mắt mà nhìn, mà cảm nhận rõ ràng sự việc này và làm việc để thực sự thay đổi đất nước”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG