Đường dẫn truy cập

Vụ sập nhà ở Bangladesh khơi lại quan ngại về an toàn xây dựng


Nhân viên cứu hộ đang tìm các công nhân đang bị kẹt dưới gạch đá của tòa nhà bị sập, 26/4/13
Nhân viên cứu hộ đang tìm các công nhân đang bị kẹt dưới gạch đá của tòa nhà bị sập, 26/4/13
Sau vụ một toà nhà bị sập làm ít nhất 275 công nhân thiệt mạng tại Bangladesh, những mối quan ngại đã được khơi lại về việc liệu các công ty may mặc nổi tiếng toàn cầu có thực hiện đủ các biện pháp để cải thiện các tiêu chuẩn an toàn thê thảm trong công nghiệp phát đạt nhất ở Bangladesh này hay không. Vụ này đang được xếp loại là một trong các thảm họa công nghiệp tệ hại nhất.

Khi một công xưởng 8 tầng tại một khu ngoại ô Dhaka biến thành một đống gạch đá với những thanh sắt cong queo, làm thiệt mạng và gây thương tích cho hàng trăm công nhân, người dân ở Bangladesh cảm thấy vô cùng đau đớn, nhưng họ không ngạc nhiên.

Vấn đề không tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn tại các nhà máy dệt may đã là mối quan tâm hàng đầu sau khi một đám cháy kinh hoàng tại một nhà máy làm hơn 100 người thiệt mạng hồi tháng 11 năm ngoái.

Trong vụ tòa nhà Rana Plaza bị sập hôm thứ tư tuần này, những vết nứt đã được phát giác 1 ngày trước khi xảy ra thảm họa. Một ngân hàng và một ngôi chợ nằm trong khu nhà đã quyết định đóng cửa và cho nhân viên về nhà, nhưng nhiều xưởng dệt may làm lơ trước mối nguy hiểm.

Kinh tế gia Mamun Rashid ở Dhaka nói một phần vấn đề là sự bành trướng nhanh chóng của công nghiệp dệt may ở Bangladesh.

Một thập niên trước, đó chỉ là một công nghiệp nội địa. Nay các doanh gia đang dọn tới bất cứ nơi nào mà họ có thể tìm được khoảng trống để đáp ứng với luồng đơn đặt hàng ồ ạt từ các cửa hàng bán lẻ quần áo của Tây phương. Trong tiến trình đó, theo ông Rashid, các tiêu chuẩn thường bị vi phạm:

"Công nghiệp này đã tăng trưởng một cách vô kế hoạch hay kế hoạch nửa vời tốc độ nhanh đến mức có thể các nhà kinh doanh không thể tính tới chuyện tuân thủ 100% các tiêu chuẩn an toàn. Dĩ nhiên đã xảy ra những trường hợp thiếu phối hợp theo dõi và chấp thuận của nhà nước. Có sự kiện thiếu các thanh tra công nghiệp hay thanh tra công xưởng và các vấn đề có liên quan đến tiêu chuẩn công xưởng, tiêu chuẩn xây dựng và an toàn cho công nhân bên trong nhà máy.”

Bộ trưởng Nội vụ Mohiuddin Khan Alamgir nói toà nhà bị sập đã vi phạm các luật lệ xây dựng. Một thí dụ là tòa nhà 8 tầng này chỉ có giấy phép để xây nhà 5 tầng. Các câu hỏi đang được đưa ra về việc vì sao các thanh tra không để ý đến sự kiện này sớm hơn và đóng cửa tòa nhà, nhất là sau khi các vết nứt xuất hiện.

Các tổ chức tranh đấu cho người lao động ở Bangladesh và nưóc ngoài nói các hãng bán lẻ toàn cầu phải chia sẻ gánh nặng cải thiện điều kiện thiếu an toàn tại những nơi cung cấp hàng cho họ.

Các tổ chức lao động đã vận động từ 2 năm nay với các công ty Tây phương đòi ký một thỏa thuận có liên quan đến các cuộc thanh tra độc lập, nâng cấp cấu trúc và các hệ thống phòng chống hỏa hoạn tại các xưởng dệt may trong nước.

Cho đến nay, chỉ có hai công ty, là PVH, công ty mẹ của Calvin Klein và Tommy Hilfiger, và Tchibo, một hãng bán lẻ của Ðức, là ủng hộ thỏa thuận này, nhưng họ cũng muốn các công ty khác phải tham gia trước.

Một phát ngôn viên của tổ chức Vận động cho Quần áo Sạch có trụ sở ở châu Âu, bà Ineke Zeldenrust, nói những lời cảnh báo dành cho các hãng bán lẻ Tây phương đã không được chú ý tới:

“Sự kiện chúng tôi thấy các công ty làm chỉ là nói suông bằng cách đề xuất có thể là những thay đổi mang tính cách mỹ thuật như huấn luyện thêm đôi chút cho công nhân, họ cũng có thể kiểm tra một đôi chút, nhưng họ không sẵn sàng thực hiện những thay đổi cơ bản trong các tập tục và trong phương pháp làm ăn. Chúng tôi thực sự tin rằng sau những gì vừa xảy ra, thì làm thế nào họ có thể nhắm mắt làm ngơ được. Ðiều rất quan trọng là người mua phải cam kết trả loại giá cả giúp cho tình trạng này có thể sửa chữa được.”

Các chuyên gia phân tích thừa nhận rằng sự cạnh tranh ráo riết trong công nghiệp dệt may đã biến Bangladesh thành nước cung cấp quần áo cho toàn cầu lớn vào hàng thứ hai trên thế giới còn có nghĩa là mức lời của các công ty này rất thấp. Điều này làm cho những người chủ xưởng có rất ít vốn để đầu tư vào việc cải thiện hạ tầng cơ sở.

Ông Sahfiul Mohidueen Islam là cựu chủ tịch Hiệp hội Sản xuất Dệt may Bangladesh. Nhóm vận động cho công nghiệp này đã cảnh báo các chủ nhân của nhà máy bị sập chớ nên hoạt động, nhưng rõ ràng là không ai thực thi lời cảnh báo.

Ông nói mặc dầu cải thiện điều kiện an toàn là một ưu tiên, điều đó có thể khó khăn bởi vì áp lực kinh tế to lớn đè nặng lên các công ty dệt may cỡ nhỏ và trung bình.

“Ở đây mọi thứ đều là tổn phí. Ta không có sự chọn lựa. Ðây là thị trường của người mua. Chung cuộc thì mọi siêu thị và hệ thống bán lẻ ngự trị giá cả. Giá cả không nằm dưới sự kiểm soát của nhà sản xuất.”

Các điều kiện thiếu an toàn trong công nghiệp trị giá 20 tỷ đôla không phải là mối quan tâm duy nhất. Lương bổng thấp ở mức 37 đôla một tháng cho 4 triệu công nhân cũng đã châm ngòi cho những vụ bất ổn trong một công nghiệp tăng trưởng nhanh tới mức một số người tin rằng rồi ra có thể vượt qua nước dẫn đầu thế giới là Trung Quốc

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG