Chính phủ Việt Nam trông mong các biện pháp cải cách nông nghiệp trong khu vực sản xuất lúa gạo chính của đất nước sẽ khắc phục được những thử thách do tình trạng biến đổi khí hậu và dòng nước bị gián đoạn trên sông Mekong gây ra.
Các chương trình cải cách chú trọng vào giống lúa cao sản hợp với khí hậu thay đổi, và tăng cường luân canh để đảm bảo phát triển bền vững cho đồng bằng sông Mekong, nơi sinh cư của 18 triệu người trong tổng dân số 94 triệu người của Việt Nam.
Đồng bằng sông Mekong sản xuất hơn một nửa sản lượng lúa của cả nước, và cung ứng lương thực cho 145 triệu nhân khẩu ở châu Á. Đồng bằng sông Mekong bao gồm 13 tỉnh phía nam của Việt Nam ở hạ lưu con sông bắt nguồn từ miền nam Trung Quốc này.
Sông Mekong bắt nguồn từ thung lũng Tây Tạng, chảy qua 6 nước: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, với chiều dài tổng cộng hơn 4.300 kilômét.
Biến đổi khí hậu
Lo ngại cao cho tương lai của đồng bằng sông Mekong bắt đầu từ mùa hạn hán trầm trọng năm nay khiến độ nhiễm mặn cao lan rộng trong đồng bằng. Theo báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO), sản lượng lúa năm nay ở đồng bằng sông Mekong giảm 1,1 triệu tấn.
Giáo sư Philip Hirsch của Đại học Sydney nhận định rằng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thể hiện rõ qua thời tiết khắc nghiệt hơn nhiều:
"Biến đổi khí hậu, đặc biệt là mực nước biển tăng, đồng thời tần số bão tố cũng tăng đã gây ra những ảnh hưởng trong đồng bằng sông Mekong. Một trong những yếu tố đáng lo ngại nhất là lượng nước nhiễm mặn, và mức độ nước nhiễm mặn lan rộng tại các phụ lưu, đe dọa vựa lúa này."
Tìm giải pháp
Các khoa học gia quốc tế đang làm việc với các đồng nghiệp Việt Nam trong chương trình “biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đất nông nghiệp ở đồng bằng sông Mekong,” gọi tắt là CLUES, để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề đang ngày càng tăng.
Tiến sĩ N.D. Phong, một điều phối viên của chương trình CLUES, trong một video, nói về những vấn đề chính mà đồng bằng sông Mekong đang đối diện, trong đó có lượng nước nhiễm mặn tăng, mức nước ngọt, nhiệt độ tăng, khí thải nhà kính tăng và dân số tăng.
Khu vực này còn bị đe dọa bởi lượng mưa giảm, số lao động nông nghiệp, và đất nông nghiệp giảm.
Các nhà khoa học của chương trình CLUES đang phát triển các giống lúa chịu nước nhiễm mặn khi mực nước dâng quá cao, và chịu được khô hạn, với mục tiêu tìm ra những giải pháp bền vững cho việc sản xuất lúa gạo trên toàn bộ đồng bằng sông Mekong.
Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế của Australia (ACIAR) đang giúp Việt Nam cải thiện hiệu quả của năng suất lúa.
Các nhà khoa học của ACIAR nói rằng các nông dân canh tác lúa ở Việt Nam đã khắc phục thành công trước những thay đổi trong 30 năm qua, nhưng về lâu về dài vẫn là điều đáng lo ngại.
Một báo cáo nghiên cứu của ACIAR nói: “Những thay đổi thủy-nông trong thời gian gần đây và dự báo cho tương lai đe dọa khả năng tồn tại bền vững của ngành nông nghiệp, hệ thống xã hội, an ninh lương thực trong khu vực Ðông Nam Á.”
Ông Leocadio Sebastian, trưởng văn phòng Ðông Nam Á đặt tại Việt Nam của Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) nói rằng chiến lược của Việt Nam là tăng thu nhập trong ngành nông nghiệp và nâng cao chất lượng lúa gạo bằng cách tạo một thương hiệu lúa gạo riêng của Việt Nam.
Ông Sabastian nói rằng IRRI và chính phủ Việt Nam nhắm đến mục tiêu chuyển đổi cơ cấu mùa vụ trong ngành trồng lúa, từ ba mùa trong một năm xuống còn hai mùa, nhưng trồng loại lúa có giá trị cao hơn. Ông nói:
"Có nghĩa là người trồng lúc có mùa vụ khác đi để đối phó với lượng nước nhiễm mặn tăng, và có khả năng khắc phục những điều kiện thay đổi này tốt hơn. Còn trong những khu vực không thể nào trồng lúa được nữa vì lượng nước nhiễm mặn sẽ rất cao trong tương lai, các nhà nông ở đó có thể chuyển sang nuôi trồng thủy sản, hoặc canh tác thứ khác trong thời gian đó."
Ông Sabastian nói tiếp:
"Đó là chiến lược giúp nhanh chóng khắc phục và nâng cao chất lượng của hạt gạo Việt Nam để có thể bán được với giá cao hơn, mang lại thu nhập cao hơn cho người trồng lúa ở Việt Nam ngay vào lúc này và trong tương lai."
Đập thủy điện
Các nhà khoa học nói rằng đồng bằng sông Mekong của Việt Nam còn chịu mối đe dọa từ các đập thủy điện đang mọc lên ngày càng nhiều trên thượng nguồn, nhất là ở Trung Quốc cũng như bên Lào và Campuchia.
Ông Chris Barlow, một chuyên gia thủy sản của ACIAR, nói rằng các đập thủy điện xây trên dòng chính của con sông gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng hạ lưu.
Trong một báo cáo nêu rõ những mâu thuẫn giữa thủy điện và thủy sản, ông Barlow nói: “Trung Quốc đã xây xong ba đập thủy điện trên sông Mekong, và sẽ xây thêm hoặc có kế hoạch xây thêm 5 đập nữa. Các đập thủy điện này gây ra những ảnh hưởng thủy học nghiêm trọng, và chúng ngăn hoàn toàn cá di chuyển ngược lên thượng nguồn.”
Ông Barlow cho biết tiếp rằng kế hoạch xây đập thủy điện ở hạ nguồn sông Mekong bao gồm 9 đập cao ở Lào, trong đó có hai đập đang trong quá trình thi công xây dựng, đó là đập Xayaburi và đập Don Sahong, và hai đập ở Campuchia, gây “ảnh hưởng nghiêm trọng” đến sản lượng thủy sản và an ninh lương thực.
Các khoa học gia nói rằng các đập thủy điện chặn phù sa chảy về hạ lưu, đổi hướng dòng chảy, và hạ nhiệt độ trong nước từ đập xả ra, tạo ra những vùng nước đọng trên thượng nguồn ở các tường chắn của đập nước.
Ông Barlow nói rằng mặc dù có nhiều lợi ích thu được từ các đập thủy điện, “nhưng ở mặt thiệt hại, ngành thủy sản và các lợi ích sinh thái khác từ dòng sông mang lại bị xuống cấp vĩnh viễn.”
Phù sa
Đồng bằng sông Mekong trù phú nhờ lượng phù sa đổ về hạ lưu. Nhưng lượng phù sa đổ về đây đã giảm đi đáng kể từ khi các đập thủy điện mọc lên.
Ông Lê Anh Tuấn, phó chủ nhiệm Viện Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu ở Đại học Cần Thơ, nói với truyền thông báo chí tại Việt Nam rằng các đập chắn nước và lượng phù sa đổ về hạ lưu giảm đe dọa tương lai của đồng bằng sông Mekong.
Ông Hirsch của Đại học Sydney nói rằng chính phủ Việt Nam cần “kiên quyết hơn” đối với các thành viên trong Ủy ban liên chính phủ sông Mekong (MRC) nhằm “nỗ lực chặn lại xu thế nhanh chóng phát triển thủy điện ở các nước thượng nguồn sông Mekong.”
Nhưng ông Hirsch e rằng thời kỳ mà đồng bằng sông Mekong đạt được sản lượng lúa cao nhất đã qua đi ngay cả trước khi các đập thủy điện bắt đầu mọc lên.
Vào đầu thập niên 1990, Việt Nam, với các biện pháp cải cách sâu rộng đã chuyển từ một nước nhập khẩu gạo chính của thế giới sang thành nhà xuất khẩu gạo lớn thứ nhì thế giới.
Ông Hirsch nhận định:
"Đây cũng là thời gian mà dòng sông Mekong chảy tự do trên suốt chiều dài của nó. Đến khi Trung Quốc bắt đầu xây đập trên thượng nguồn ở nước họ, và mới đây nhất Lào cũng xây đập, là lúc khởi đầu của thời kỳ suy thoái ở hạ lưu kéo dài, và có nguy cơ gây ra thảm họa cho môi trường và thảm họa cho an ninh lương thực ở đồng bằng sông Mekong."