Đường dẫn truy cập

Washington khởi động Quan hệ Đối tác Mekong- Hoa Kỳ


Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Stephen Biegun và các đối tác hạ nguồn sông Mekong phát biểu trực tuyến tại hội nghị cấp bộ trưởng đầu tiên hôm 11-09-2020. Photo Twitter ASEAN 2020 Vietnam.
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Stephen Biegun và các đối tác hạ nguồn sông Mekong phát biểu trực tuyến tại hội nghị cấp bộ trưởng đầu tiên hôm 11-09-2020. Photo Twitter ASEAN 2020 Vietnam.

Hôm 11/9, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Stephen Biegun và Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đồng chủ tọa Hội nghị Bộ trưởng Đối tác Mekong-Hoa Kỳ (MUSP) lần đầu tiên, với mục tiêu nâng tầm Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI), để ứng phó với các tác động từ thượng nguồn do Trung Quốc gây ra.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Hội nghị MUSP khẳng định cam kết của Washington đối với tương lai của LMI “như một phần của tầm nhìn chung cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

“Chúng tôi cùng nhau hợp tác để tìm ra các giải pháp cho những thách thức đang nổi lên thông qua Quan hệ đối tác Mekong-Hoa Kỳ”, Phái đoàn Hoa Kỳ tại ASEAN cho biết trên Facebook hôm 11/9.

Quan hệ Đối tác MUSP bao gồm 6 thành viên là Hoa Kỳ, Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Hội nghị cấp bộ trưởng đầu tiên của MUSP xem xét những tiến bộ đạt được trong khuôn khổ LMI và thảo luận về các hướng đi trong tương lai cho quan hệ Mekong-Hoa Kỳ.

Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh phát biểu hôm 11-09-2020. Photo Twitter ASEAN Vietnam 2020.
Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh phát biểu hôm 11-09-2020. Photo Twitter ASEAN Vietnam 2020.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Thái Lan, Quan hệ Đối tác MUSP được nâng tầm từ sự hợp tác kéo dài một thập kỷ trong khuôn khổ LMI, do Hoa Kỳ khởi xướng vào năm 2009, với mục tiêu chính là thúc đẩy phát triển công bằng, bền vững và bao trùm ở tiểu vùng sông Mekong.

“Hội nghị cũng bàn các cách thức để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 và đảm bảo phục hồi kinh tế. Cuộc họp cũng sẽ tập trung vào các lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ MUSP, bao gồm kết nối kinh tế, quản lý nước bền vững, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, quản lý nguồn nhân lực và an ninh phi truyền thống ở tiểu vùng sông Mekong”, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết.

Vào tháng 7, Thứ trưởng Biegun phát biểu tại một phiên điều trần tại Thượng viện rằng khu vực sông Mekong có tầm quan trọng chiến lược đối với Hoa Kỳ. “Chúng tôi đang làm việc với các nước Mekong để đảm bảo sự phát triển bền vững và an ninh năng lượng, ngay cả khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiếp tục xây dựng các con đập trên diện rộng và đe dọa an ninh lương thực của các nước láng giềng ở hạ lưu dọc sông Mekong”.

Ông Beigun nhấn mạnh rằng khu vực hạ nguồn Mekong là trọng tâm trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, và là một phần thiết yếu trong hợp tác của Hoa Kỳ với ASEAN.

Tháng 4 vừa qua, một báo cáo qua chương trình Sáng kiến Hạ vùng sông Mekong (LMI) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng có sự liên quan giữa mực nước thấp kỷ lục của sông Mekong trong một nửa thế kỷ qua vào năm ngoái, với các hoạt động của đập thuỷ điện.

Trích dẫn báo cáo này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell hôm 4/9 cáo buộc Trung Quốc “thao túng” dòng chảy sông Mekong vì “lợi ích riêng” trong khi các nước hạ nguồn “phải trả giá đắt”, gây nên “một thách thức cấp bách” trong khu vực.

Ông Stilwell nói rằng việc “thao túng dòng chảy dọc sông Mekong” của Trung Quốc xảy ra trong 25 năm qua, trong đó “sự gián đoạn dòng chảy tự nhiên nghiêm trọng nhất xảy ra đồng thời với việc xây dựng và vận hành các con đập lớn”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG