Đường dẫn truy cập

Yếu tố Trung Quốc trong việc Mỹ cân nhắc quy chế thị trường cho Việt Nam


Công nhân đang làm việc ở một xưởng may mặc ở Nam Định.
Công nhân đang làm việc ở một xưởng may mặc ở Nam Định.

Hôm 8/5, tại phiên điều trần trực tuyến công khai của Bộ Thương mại Mỹ, các luật sư đã tranh luận về việc liệu có nên trao cho Việt Nam quy chế nền kinh tế thị trường hay không, với mối quan hệ kinh tế ngày càng chặt chẽ giữa Việt Nam với Trung Quốc chi phối lập luận của cả hai phía.

Luật sư Eric Emerson của hãng luật Steptoe LLP, đại diện cho Bộ Công Thương Việt Nam, lập luận rằng Việt Nam nên được nâng cấp lên quy chế kinh tế thị trường vì nước này đã đáp ứng sáu tiêu chí mà Bộ Thương mại Mỹ đề ra để đánh giá liệu các nước có thật sự có nền kinh tế thị trường hay không, từ khả năng chuyển đổi tiền tệ và quyền lao động cho đến độ mở đầu tư và phân bổ nguồn lực.

“Việt Nam đã cho thấy họ làm tốt, hay là tốt hơn những nước khác trước đây đã được cấp quy chế kinh tế thị trường theo các tiêu chí được quy định này,” ông Emerson nói. Ông dẫn ra hỗ trợ của Nhà nước cho các công ty nhà nước ở Việt Nam ít hơn Ấn Độ và Việt Nam cởi mở với đầu tư nước nhiều hơn Indonesia, Canada và Philippines.

Việt Nam lâu nay vẫn lập luận rằng họ nên được dỡ bỏ cái nhãn nền kinh tế phi thị trường với những cải cách kinh tế gần đây, và cho rằng tiếp tục áp đặt quy chế này là không tốt cho mối quan hệ song phương ngày càng gắn bó mà Washington xem là để đối trọng với Trung Quốc.

Hãng điện tử Samsung, một tiếng nói ủng hộ Việt Nam, đã trở thành công ty tuyển dụng lao động đông nhất tại Việt Nam nhờ vào những thay đổi theo hướng thị trường của nước này, lãnh đạo bộ phận chính sách công ở Mỹ của Samsung, ông Scott Thompson, nói tại phiên điều trần.

“Việt Nam đã nổi lên như một đối tác ổn định, an toàn của Mỹ trong chuỗi cung ứng... rốt cuộc cũng vì lợi ích của kinh tế Mỹ,” ông Thompson nói.

Nhưng những tiếng nói phản đối lập luận rằng các cam kết chính sách của Hà Nội đã không đi đôi với hành động cụ thể và nước này vận động như một nền kinh tế kế hoạch hóa do Đảng Cộng sản điều hành.

Họ cũng cho biết các ngành nghề của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư và nhập khẩu đầu vào từ Trung Quốc, với nhiều mặt hàng trong số đó đã bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá.

Ông Jeffrey Gerrish, cựu quan chức thương mại của chính quyền Trump hiện đại diện cho hãng Steel Dynamics, lập luận tại phiên điều trần việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ kích hoạt một làn sóng nhập khẩu không công bằng từ Việt Nam mà ông cho là đã trở thành phương cách để Trung Quốc lách thuế quan của Mỹ.

“Thay vì đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc, bất kỳ hành động nào như vậy sẽ là món quà cho Trung Quốc và phục vụ lợi ích của Trung Quốc,” ông Gerrish nói.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng Việt Nam không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về quyền lao động cần thiết để được xem là nền kinh tế thị trường và cho biết sẽ là sai lầm khi nói rằng người lao động Việt Nam có thể tổ chức được công đoàn hoặc tiền lương của họ là nhờ vào thương lượng tự do.

“Luật Công đoàn Việt Nam chỉ cho phép các ‘công đoàn’ do chính quyền kiểm soát,” HRW cho biết trong một tuyên bố sau phiên điều trần.

Nazak Nikakhtar, cựu quan chức Thương mại dưới chính quyền Trump hiện đang làm việc cho công ty luật Wiley Rein, cho biết Hà Nội đã dùng các chính sách áp bức và tập quán kinh tế hung hăng như Trung Quốc và có khả năng đứng về phe quốc gia láng giềng hùng mạnh để đối đầu với Mỹ.

Tuy nhiên, ông Emerson, luật sư đại diện cho Hà Nội, cho biết việc từ chối trao quy chế kinh tế thị trường sẽ đẩy Việt Nam đến gần Trung Quốc hơn.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG