Trump muốn giảm trợ cấp, tăng chi tiêu quân sự và xây tường biên giới

Bức tường biên giới Mỹ-Mexico ở Tijuana, gần San Diego

Khai hỏa trận chiến ngân sách kế tiếp với Quốc hội, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11/3, trong đề xuất ngân sách cho năm 2020, kêu gọi điều chỉnh lại các chương trình xã hội trợ giúp người nghèo và người cao niên trong khi tăng cường chi tiêu quân sự và cấp tiền xây dựng tường biên giới với Mexico.

Ngân sách 4.700 tỷ đô la của ông Trump ngay lập tức đã bị cách thành viên Đảng Dân chủ ở Quốc hội chỉ trích gay gắt. Phe Dân chủ hồi năm ngoái đã bác bỏ yêu sách cấp tiền xây tường biên giới của ông Trump khiến cho chính phủ liên bang bị đóng cửa một phần trong năm tuần.

Cũng như những lần đề xuất ngân sách trước, kế hoạch chi tiêu lần này của ông nhiều khả năng sẽ không trở thành luật, nhất là khi Đảng Dân chủ đã kiểm soát Hạ viện. Tuy nhiên, nó trở thành một cương lĩnh sớm về những ưu tiên chính sách mà ông Trump sẽ đưa vào trong chiến dịch tái tranh cử vào năm 2020.

“Tổng thống Trump bằng cách nào đó đã đưa ra một yêu cầu ngân sách thậm chí còn xa rời thực tế hơn là hai lần trước đây,” dân biểu Dân chủ Nita Lowey, chủ tịch Ủy ban Ngân sách của Hạ viện, nói.

Thượng nghị sỹ Dân chủ Patrick Leahy, chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng viện, ra thông cáo nói rằng kế hoạch của ông Trump ‘chẳng đáng phải in ra một tờ giấy’.

Trong năm nay, rủi ro của việc không đạt được thỏa thuận là cao hơn năm ngoái. Do thời hạn chót vào ngày 1/10 để giữ cho chính phủ vận hành trùng hợp với thời hạn chót dỡ trần nợ công. Nếu không nới trần nợ, chính phủ Mỹ có nguy cơ vỡ nợ và điều đó sẽ gây chấn động kinh tế thế giới.

Ngân sách của ông Trump bao gồm những đề xuất rủi ro về mặt chính trị như đại tu các chương trình Medicare, Medicaid và các chương trình xã hội tốn kém khác vốn tạo nên hệ thống an sinh xã hội mà lâu nay vẫn trợ giúp cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn.

Ngân sách này bao gồm khoản tiền 8,6 tỷ đô la để xây bức tường biên giới với Mexico. Con số đó nhiều hơn gấp sáu lần khoản tiền mà Quốc hội cấp cho ông Trump để thực hiện các dự án biên giới mỗi năm trong hai năm tài chính vừa qua và nhiều hơn 6% khoản tiền mà ông Trump gom góp được bằng cách sử dụng quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi không có được số tiền mà ông muốn.

Ông Trump cũng kêu gọi nâng chi tiêu quốc phòng lên hơn 4%, tức lên 750 tỷ đô la, bằng cách sử dụng tài khoản khẩn cấp của quỹ Chiến dịch Hải Ngoại Bất thường (OCO), vốn bị những người bảo thủ mỉa mai là một khoản quỹ đen để né hạn mức chi tiêu mà luật hạn chế tài chính năm 2011 quy định.

Những chi tiêu phi quốc phòng đã được giữ dưới hạn mức này nhờ vào việc cắt giảm mạnh ngân sách cho Bộ Ngoại giao (23%), Cơ quan Bảo vệ Môi trường (31%) cùng với những cắt giảm khác.

Thậm chí với những khoản cắt giảm này, mà Nhà Trắng cho là sẽ giúp tiết kiệm thêm 2.700 tỷ đô la trong vòng một thập niên, văn phòng ngân sách cho biết kế hoạch chi tiêu của ông Trump vẫn không thể cân bằng được cho đến năm 2034 – vượt quá triển vọng 10 năm theo truyền thống.

Cắt giảm thuế là ưu tiên của ông Trump và phe Cộng hòa ở Quốc hội trong những năm qua, hơn là cắt giảm thâm hụt. Khoản thâm hụt này đã lên đến 900 tỷ đô la trong năm 2019 và nợ quốc gia của Mỹ đã phình to lên 22.000 tỉ đô la.

Ủy ban Ngân sách Trách nhiệm nói rằng dự thảo ngân sách của ông Trump sẽ khiến nợ công của Mỹ tăng thêm 10.500 tỷ đô la trong hơn một thập niên và chỉ trích Nhà Trắng về điều mà họ gọi là ‘sự mặc định hoang đường’ rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3% trong khoảng thời gian đó – cao hơn mức trung bình 2% mà các nhà dự báo độc lập sử dụng.

Trừ phi Nhà Trắng và Quốc hội đạt được thỏa thuận, việc đặt trần chi tiêu tự động từ đạo luật hồi năm 2011 sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/10, khiến thời hạn chót càng thêm khẩn cấp.

Nhà Trắng muốn thay đổi tập quán là hễ tăng chi phí cho quốc phòng thì phải tăng tương ứng cho ngân sách phi quốc phòng, một phương pháp lâu nay vẫn được sử dụng để đạt được thỏa thuận chi tiêu nhiều tranh cãi trong quá khứ.

“Chúng tôi muốn đánh tín hiệu với dự thảo ngân sách này rằng việc mỗi đô la tăng lên cho chi tiêu quốc phòng phải kèm theo một đô la tăng chi tiêu phi quốc phòng là điều mà đất nước này không thể nào gánh nổi nữa cũng như đã có lần không gánh nổi trước đây,” một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump nói với điều kiện giấu tên.