VN cách chức, bắt giam bộ trưởng y tế, gây chú ý với nước ngoài về chống tham nhũng

Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh VGP

Bộ Công an Việt Nam hôm 7/6 ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Long, bộ trưởng Bộ Y tế vừa bị cách chức trước đó vài giờ, để điều tra những sai phạm liên quan đến vụ Công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19. Những động thái mới nhất khiến các hãng truyền thông quốc tế đồng loạt nhắc đến chiến dịch đốt lò của người đứng đầu Đảng Cộng sản.

Công an trong cùng ngày cũng bắt ông Chu Ngọc Anh, cựu chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, và ông Phạm Công Tạc, cựu thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tính đến thời điểm này, ông Nguyễn Thanh Long là quan chức cao nhất của Bộ Y tế bị khởi tố trong vụ án gây phẫn nộ công luận khi các cán bộ Y tế hợp tác với công ty Việt Á “thổi giá” test kit COVID -19 của công ty này lên và ăn chia hoa hồng đến hàng trăm tỷ đồng giữa lúc đại dịch bùng phát khiến hàng triệu người dân khốn khổ và hàng chục ngàn người thiệt mạng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, cùng với ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, là những quan chức mới nhất bị kỷ luật trong các đại án của cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng bị thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng.

Hai quan chức này đã bị Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản xem xét, thi hành kỷ luật vào ngày 4/6. Đến ngày 6/6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định khai trừ ra khỏi Đảng ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long.

Cả hai bị cáo buộc liên quan đến những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và công nghệ nhiệm kỳ 2016 – 2021 và Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021 gây “hậu quả nghiêm trọng”.

“Các đồng chí: Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Tạc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế”, thông cáo của Bộ Chính trị hôm 4/6 nói.

Sáng 7/6, Quốc hội Việt Nam thông qua việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV và phê chuẩn đề nghị cách chức bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long.

Khoảng 9 tiếng sau, ông Nguyễn Thanh Long bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo Điều 356 Bộ luật Hình sự, sau hàng giờ khám xét nhà riêng của ông này.

Vào tháng 12/2021, vụ án nâng khống giá tại Việt Á được điều tra khiến cho các Sở Y tế, CDC và bệnh viện của 16 tỉnh, thành bị cáo buộc có liên quan sai phạm trong vụ Việt Á chi “hoa hồng” lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng.

Vụ kỷ luật ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long là động thái mới nhất trong chiến dịch “đốt lò” của tổng bí thư Việt Nam được các hãng thông tấn lớn đồng loạt đưa tin vào ngày 7/6.

Tờ Bloomberg “điểm danh” hàng loạt các quan chức bị kỷ luật gần đây trong mọi lĩnh vực, từ chứng khoán cho đến y tế, cảnh sát biển… như Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, các cựu quan chức cấp cao của lực lượng Cảnh sát biển, Giám đốc điều hành - cựu Chủ tịch Bamboo Airways và công ty mẹ FLC - Trịnh Văn Quyết, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt - Đỗ Đức Nam, và nguyên Chủ tịch Công ty Cổ phần Louis Holdings - Đỗ Thành Nhân.

Tờ báo dẫn lời ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, Úc, nhận định rằng chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bị thư Nguyễn Phú Trọng đang trên đà “tiến rất nhanh”. Việc thúc đẩy chiến dịch một cách “có hệ thống” của ông Trọng bao gồm xem xét tất cả các chỉ thị của đảng và “danh sách tất cả những điều đảng viên không được làm”, giáo sư Thayer nói. Theo ông, tham nhũng chính là “điều làm suy yếu tính chính danh và đe dọa đến (sự tồn vong của) đảng”.

Mặc dù tình trạng tham nhũng tại Việt Nam đã được đánh giá cải thiện hơn 30 bậc trong thập niên qua trên chỉ số nhận thức về tham nhũng toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn bị xếp ở vị trí thứ 87 trong tổng số 180 quốc gia được xếp hạng vào năm ngoái.

Theo Bloomberg, lò chống tham nhũng có vẻ như được thổi bùng lên lại khi Việt Nam đang tìm cách củng cố sức hấp dẫn của mình như một điểm đến cho đầu tư nước ngoài giữa bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng.

Trong khi đó, tờ Diplomat so sánh chiến dịch chống tham nhũng như là “đứa con tinh thần” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã lên nắm quyền vào đầu năm 2011, ngay thời điểm mà các vụ bê bối tham nhũng ngày càng gây tổn hại cho công chúng, gây tiêu tốn hàng tỉ đô la và bắt đầu làm suy yếu tính chính danh vốn rất khó giành được của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, theo tờ báo, bất chấp những nỗ lực của chiến dịch, thì tham nhũng giống một loại cỏ dại đã bám rễ trong nhà nước do đảng cộng sản nắm quyền. Mặt khác, hệ thống kinh tế kết hợp theo kiểu thị trường nhưng lại bị chi phối bởi quy tắc “theo chỉ thị của Đảng” dường như tạo ra một môi trường với nhiều cơ hội cho tệ nạn mua chuộc và tham ô.