Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ, Hà Nội, hôm 15/7 khởi động việc thu thập ý kiến nhân dân về đồ án xây một nhà hát đồ sộ ven Hồ Tây. Theo quan sát của VOA, đồ án vấp phải phản ứng không thuận lợi từ nhiều người dân và những người có kiến thức về quy hoạch, kiến trúc trong nhiều tuần nay, trước cả khi quận lấy ý kiến người dân.
Đồ án được chính quyền quận Tây Hồ công bố cho thấy một nhà hát opera 1.600 chỗ ngồi được nhắm xây dựng trên Đầm Trị, ngay sát Hồ Tây, ở bán đảo Quảng An.
Vẫn theo các thông tin do nhà chức trách công bố, được báo chí dẫn lại, nhà hát “quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu cho thủ đô” sẽ chiếm diện tích khoảng 13.000 mét vuông. Công trình này được kỳ vọng “thu hút du khách không kém nhà hát Con Sò tại Sydney (Australia), La Scala tại Milan (Italia), Esplanade (Singapore)…”
Nhà hát sẽ được thiết kế để có dạng nổi trên bề mặt Đầm Trị và việc thi công nhà hát sẽ không làm lấp đầm cũng như không ảnh hưởng đến bề mặt nước của đầm, đề án viết.
Phía chính quyền cho biết công trình nhà hát dự kiến sẽ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của thành phố Hà Nội trong suốt quá trình thiết kế cũng như thi công và vận hành. Xã hội hóa là thuật ngữ ở Việt Nam chỉ việc tư nhân hóa các dịch vụ, dự án công ích.
Theo tìm hiểu của VOA, trong các năm 2017, 2019, tập đoàn bất động sản hùng mạnh Sun Group nhiều lần công bố thông tin họ sẽ đầu tư, xây dựng nhà hát opera tầm cỡ bên Hồ Tây.
Mặc dù đề án nhắm đến mục tiêu là nhà hát không chỉ có chức năng phục vụ các cuộc biểu diễn nghệ thuật mà còn là điểm hẹn văn hóa, vui chơi, trải nghiệm thường xuyên của người dân và du khách, song theo quan sát của VOA, ngay từ cuối tháng 6, khi mới xuất hiện những thông tin ban đầu về đề án, nhiều người dân và giới am hiểu kiến trúc, quy hoạch đã lên tiếng phản đối. Giờ đây, các tiếng nói chống lại đề án đang ngày càng lớn hơn.
Kiến trúc sư Phạm Kiều Anh, một phó giáo sư, tiến sĩ có thâm niên hơn 20 năm làm công tác chuyên môn và quản lý, gọi đề án là sự xâm hại thô bạo vùng cảnh quan độc đáo, duy nhất của Hà Nội. Bà bày tỏ quan điểm này trên báo Người Đô Thị và được một số báo khác trong nước đăng lại trong cùng ngày quận Tây Hồ bắt đầu lấy ý kiến nhân dân.
Bà Kiều Anh nhấn mạnh rằng việc xây dựng trục đường lớn ở bán đảo Quảng An là thô thiển, không phù hợp, cùng với đó, xây nhà hát trên Đầm Trị là hành động xóa sổ cảm thức về nơi chốn của người dân Hà Nội, chưa kể đến vị trí của đầm hoàn toàn bất lợi xét về mặt tiếp cận.
Bằng tính toán của riêng mình, nữ kiến trúc sư kỳ cựu đưa ra cảnh báo rằng về khía cạnh môi trường và sinh thái, nhà hát có thể ngốn mất 1/3 diện tích cây xanh, mặt nước Đầm Trị.
Trên bình diện rộng hơn, bà Kiều Anh lưu ý rằng ý định xây nhà hát opera là một phần trong đề án lớn hơn gồm các công trình công cộng, cây xanh, khu công viên chuyên đề.
Bà đặt ra một loạt câu hỏi rằng đề án có đánh giá ra sao về tác động môi trường và xã hội, bao nhiêu quần cư truyền thống ở vùng Quảng An bị xóa sổ và xáo trộn, bao nhiêu người dân ở đây sẽ mất nhà mất vườn, mất sinh kế và buộc phải miễn cưỡng rời bỏ mảnh đất tổ tiên để lại…
Bên cạnh đó, bà Kiều Anh cũng chất vấn “Đã có cuộc khảo sát ý kiến của mọi người dân ở đây và thống kê tỷ lệ ủng hộ hay phản đối như thế nào chưa?”
Trong bài viết của mình, nữ kiến trúc sư kỳ cựu bình luận rằng: “Một DỰ ÁN VĂN HÓA, nếu không thực sự được nghiên cứu cẩn trọng từ ý tưởng, đến quy hoạch, đến thiết kế và khai thác hiệu quả vì mục đích văn hóa (chứ không phải nhân danh văn hóa để thu lời) thì rất có thể lại là một DỰ ÁN PHẢN VĂN HÓA khi thay thế những nét văn hóa dung dị bản địa vốn có bằng những ý tưởng sáo rỗng, lai căng, vay mượn. Không thể nhân danh văn hóa để xóa bỏ văn hóa đích thực mà chúng ta đã có”.
Những ngày này, VOA quan sát thấy nhiều người dân địa phương tại Quảng An chăng biểu ngữ trước nhà hoặc cầm biểu ngữ tuần hành để phản đối đề án. Các biểu ngữ viết: “Phản đối quy hoạch 1/500 dự án nhà hát opera trên mặt Đầm Trị”, “Phản đối quy hoạch đánh tráo dân cư, lấy đất vàng cho doanh nghiệp”, “Phản đối xây nhà hát ở khu vực tâm linh Quảng An”, “Cắt đứt long mạch Hồ Tây là tội ác”, “Bảo tồn khu tâm linh Hồ Tây”…
Bài viết thể hiện ý kiến phản đối của bà Kiều Anh được nhiều người ủng hộ, trong đó có võ sư-nhà báo Đoàn Bảo Châu, người có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội, đã lan tỏa bài viết qua chức năng share của Facebook.
Nhiều Facebookers khác có lượng người theo dõi đông đảo như tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, bà Phương Ngô, ông Dương Quốc Chính… cũng phê phán hoặc phản đối, chỉ trích dự án.
Một đại diện của quận Tây Hồ cho báo giới biết hôm 15/7 rằng sau khi lấy ý kiến cộng đồng dân cư, quận sẽ cập nhật tất cả các ý kiến đó, gửi cho đơn vị tư vấn để báo cáo Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội thẩm định lại đồ án. Sau khi đủ điều kiện, sở sẽ báo cáo UBND Hà Nội. Nếu thành phố phê duyệt, đó là cơ sở để thực hiện các khâu tiếp theo.