‘Việt Nam đang phải ứng phó cùng lúc nhiều loại dịch bệnh’

Tiêm vaccine ngừa COVID ở Việt Nam.

Thông tin này được trang web của Bộ Y tế Việt Nam đăng tải hôm 26/7 đồng thời cho biết rằng nước này đang “tăng cường giám sát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi”.

Trang tin của Bộ nói rằng dịch COVID-19 “có xu hướng tăng số mắc trong 2 tuần qua” với các biến thể phụ của Omicron, đồng thời đưa ra nhận định rằng nhiều người dân “chủ quan” sau khi tiêm vaccine COVID-19 mũi 2 và từng mắc COVID-19 nên “chưa tham gia tích cực” vào việc tiêm vaccine mũi 3, mũi 4.

Bộ Y tế cũng nói rằng cùng lúc đó bệnh sốt xuất huyết "tiếp tục diễn biến phức tạp” với hơn 124.000 ca mắc và hàng chục ca tử vong từ đầu năm 2022 đến nay và “có nguy cơ lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên”.

Báo điện tử chính phủ hôm 25/7 đưa tin rằng trước tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, thủ tướng chính phủ ban hành công điện tăng cường phòng, chống, trong đó yêu cầu “giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện”.

Ngoài các bệnh truyền nhiễm trên, Bộ Y tế cho biết rằng “bệnh tay chân miệng cũng bắt đầu ghi nhận nhiều trẻ nhỏ mắc”.

Bộ này mới đây cũng đã tổ chức một cuộc họp khẩn nhằm bàn phương án đối phó với dịch đậu mùa khỉ hiện lây lan ở nhiều nước trên thế giới.

Theo trang web của Bộ Y tế Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương hôm 24/7 đã chủ trì sự kiện trực tuyến với các cơ quan, ban ngành liên quan nhằm “đánh giá tình hình dịch bệnh và thống nhất các giải pháp trong thời gian tới”.

Cuộc họp này được tổ chức một ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Theo Reuters, cho đến nay, đã có hơn 16.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở hơn 75 quốc gia, và năm trường hợp tử vong ở Châu Phi.