Nga báo với NASA sẽ không sớm rút khỏi trạm vũ trụ ISS

Các nhà du hành vũ trụ Nga chuẩn bị bay lên ISS hồi ngày 18/3/2022.

Các quan chức ngành vũ trụ Nga thông báo cho các đối tác Mỹ rằng Moscow muốn tiếp tục đưa các phi hành gia Nga lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) cho đến khi Nga xây dựng xong và đưa vào hoạt động một trạm vũ trụ của riêng họ, một quan chức cấp cao của NASA nói với Reuters hôm thứ Tư 27/7.

Kết hợp thông tin kể trên với những phát biểu của một quan chức cấp cao trong ngành vũ trụ Nga được công bố hôm 27/7, đây là các dấu hiệu mới nhất cho thấy ít nhất phải 6 năm nữa Nga mới kết thúc việc hợp tác trên quỹ đạo với Hoa Kỳ đã kéo dài hơn hai thập kỷ tính đến nay.

Hôm 26/7, đã xuất hiện một khả năng cao về một cuộc chia tay trong chương trình ISS, khi Yuri Borisov, tổng giám đốc mới được bổ nhiệm của cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, đã khiến NASA bất ngờ khi thông báo rằng Moscow có ý định rút khỏi chương trình đối tác về trạm vũ trụ "sau năm 2024".

Kathy Lueders, giám đốc hoạt động không gian của cơ quan hàng không-không gian Mỹ NASA, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng các quan chức Nga sau đó đã nói với NASA rằng Roscosmos muốn tiếp tục hợp tác trong khi Nga làm việc để hiện thực hóa kế hoạch đưa trạm quỹ đạo của họ có tên là ROSS đi vào hoạt động.

"Ở cấp những người làm việc, chúng tôi không thấy có bất kỳ dấu hiệu nào là có điều gì thay đổi cả", Lueders nói với Reuters hôm 27/7, đồng thời nói thêm rằng mối quan hệ và hoạt động công việc giữa NASA và Roscosmos vẫn "diễn ra bình thường".

Trạm vũ trụ, cũng là cơ sở thí nghiệm khoa học có kích thước bằng một sân bóng đá và bay trên quỹ đạo cách trái đất khoảng 400 km, luôn có người ở trên đó trong hơn hai thập kỷ qua, trong khuôn khổ chương trình đối tác do Mỹ và Nga dẫn đầu, ngoài ra còn bao gồm Canada, Nhật Bản và 11 quốc gia châu Âu.

Trạm này là một trong những dấu tích hợp tác cuối cùng giữa Hoa Kỳ và Nga. Số phận của trạm ra sao đã trở thành một vấn đề kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2, là sự kiện đã làm căng thẳng quan hệ song phương Mỹ-Nga trên nhiều mặt khi chính quyền của ông Biden áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow.

Cuộc xung đột ở Ukraine cũng làm dấy lên căng thẳng giữa Roscosmos và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).

Các bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận chính thức về gia hạn việc Nga tham gia vào ISS sau năm 2024. Lueders cho biết NASA, Roscosmos, ESA và các đối tác khác trong chương trình trạm ISS có kế hoạch sẽ bàn thảo về khả năng gia hạn sự hiện diện của họ ở trên cơ sở thí nghiệm này cho đến năm 2030 trong một cuộc họp định kỳ vào ngày 29/7 của hội đồng quản lý trạm.

Roscosmos đã công bố trên trang web của họ hôm 27/7 cuộc phỏng vấn với Vladimir Solovyov, giám đốc hoạt động bay của Nga trên trạm vũ trụ, trong đó, ông nói rằng Nga phải ở lại trạm cho đến khi ROSS hoạt động.

Solovyov cho biết ông dự báo là ROSS sẽ được lắp ráp hoàn chỉnh trên quỹ đạo vào năm 2028.

(Reuters)