Iran và Mỹ cố cứu vãn thỏa thuận hạt nhân 2015 ở Vienna

Chương trình hạt nhân Iran vẫn đang diễn ra.

Iran và Hoa Kỳ đàm phán gián tiếp tại Vienna vào thứ Sáu 5/8 trong một nỗ lực có tính chất còn nước còn tát nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, truyền thông nhà nước Iran đưa tin.

Không có mấy người tin rằng sẽ có đột phá. Mỗi bên đều kêu gọi bên kia thỏa hiệp, trong khi chương trình hạt nhân của Tehran vẫn được đẩy mạnh.

Reuters, dẫn lời một quan chức Iran và một quan chức châu Âu, đã loan tin hồi tháng 6 rằng Tehran đã bỏ đi lời yêu cầu rằng Washington phải bỏ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran khỏi danh sách trừng phạt của Mỹ.

Hôm 4/8, một quan chức cấp cao của Iran nói với Reuters: "Chúng tôi có những đề xuất riêng sẽ được thảo luận trong cuộc đàm phán ở Vienna, chẳng hạn như dỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt đối với Lực lượng Vệ binh".

Phát ngôn viên Nhà Trắng chuyên trách an ninh quốc gia John Kirby hôm 4/8 cho biết cuộc đàm phán "cơ bản đã hoàn tất ở thời điểm này".

Do Iran từ chối đàm phán trực tiếp với Hoa Kỳ, nên Enrique Mora của EU phải chạy qua chạy lại giữa Bagheri Kani và Đặc sứ Mỹ chuyên trách về Iran là Rob Malley.

Đàm phán đổ vỡ chủ yếu là do Tehran yêu cầu Washington bỏ Lực lượng Vệ binh Cách mạng khỏi danh sách Các Tổ chức Khủng bố Nước ngoài (FTO) của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã từ chối làm theo lời yêu cầu đó.

Tehran cũng yêu cầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hủy bỏ các tuyên bố của họ về hoạt động hạt nhân của Tehran, Iran phản đối việc cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc khẳng định hồi năm ngoái rằng Iran đã không giải thích đầy đủ về các dấu vết uranium tại các địa điểm không được khai báo.

Thỏa thuận năm 2015 giữa Iran và Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc gần như chẳng còn chút hiệu lực nào. Trước khi bị đổ vỡ, thỏa thuận này dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran, đổi lại, chương trình hạt nhân của Iran phải chịu các hạn chế.

Vào năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vứt bỏ bản thỏa thuận và áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt.

Đáp lại, Tehran đã vi phạm thỏa thuận bằng một số cách thức, bao gồm cả việc tích trữ trở lại uranium đã được làm giàu.

Nhà ngoại giao hàng đầu của EU, Josep Borrell, đã đề xuất một thỏa hiệp hồi tháng 7 và kêu gọi các bên chấp nhận nó để tránh một "cuộc khủng hoảng hạt nhân nguy hiểm". Hai quan chức Iran cho biết Tehran "không hài lòng" với bản thảo về thỏa hiệp.

(Reuters)