Chính phủ Việt Nam giảm một nửa mức thuế nhập khẩu ưu đãi đánh vào xăng

Giá xăng giảm khá nhiều ở Việt Nam trong một tháng nay.

Chính phủ Việt Nam loan báo hôm 8/8 rằng họ vừa quyết định giảm một nửa mức thuế nhập khẩu ưu đãi đánh vào xăng trong bối cảnh nhiều người dân và doanh nghiệp kêu than về những khó khăn trong đời sống, sản xuất, kinh doanh do giá xăng dầu tăng cao trong nhiều tháng nay.

Thông qua cổng thông tin điện tử chính thức, chính phủ Việt Nam cho biết họ mới ban hành một nghị định giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) từ mức 20% xuống 10% đối với mặt hàng xăng không pha chì có chỉ số hiệu năng nhiên liệu (RON) dưới 100 và xăng cho động cơ đốt trong của máy bay, có hoặc không pha cồn ethanol.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VOA, bước đi mới nhất này của chính phủ sẽ ít có tác động đến giá xăng vì lâu nay Việt Nam nhập hầu hết xăng dầu từ các nước đã ký kết hiêp định thương mại tự do (FTA) với Hà Nội, đồng nghĩa là chúng đã được áp dụng mức thuế suất nhập khẩu FTA thấp hơn so với mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi MFN rồi.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng dầu của Việt Nam là 475,26 triệu đô la. Trong đó nhập khẩu từ các nước đã có FTA là 474,1 triệu đô la, chiếm đến 99,7%. Trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng là 826,53 triệu đô la, cơ bản cũng được nhập khẩu từ các nước đã có FTA với Việt Nam.

Cũng do lượng xăng nhập theo diện chịu thuế suất nhập khẩu ưu đãi MFN quá nhỏ, nên Bộ Tài chính nhận định rằng khi chính phủ giảm mức thuế này sẽ không có nhiều tác động đến thu ngân sách nhà nước, cổng thông tin điện tử của chính phủ cho hay.

Việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi MFN của chính phủ vừa được ban hành tiếp nối vào việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam giảm thuế bảo vệ môi trường đánh vào xăng, dầu, mỡ máy móc hồi đầu tháng 7, trong đó mức thuế này đánh vào xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn là 1.000 đồng/lít.

Các động thái giảm thuế ở Việt Nam, trùng vào thời điểm giá dầu thô thế giới liên tục sụt giảm, đưa giá xăng RON 95 ở Việt Nam về khoảng 25.600 đồng/lít trong những ngày này, thấp hơn đáng kể so với lúc xăng có giá cao kỷ lục tới gần 33.000 đồng vào gần cuối tháng 6.

Trước khi có những diễn biến kể trên, báo chí Việt Nam đưa tin rằng giá xăng ở trong nước cao một cách không tương xứng với thu nhập trung bình của người dân vì phải chịu gánh nặng thuế, phí khá lớn. Các báo dẫn lời một số chuyên gia nói rằng tùy theo thời điểm, tổng tiền thuế, phí chiếm từng chiếm từ từ 44% tới 64% giá bán xăng dầu.

Giá xăng Viêt Nam bao gồm cả thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và một số loại phí khác.

Chính vì gánh nặng đó, Việt Nam, nước nhập ròng dầu thô với lượng nhập khẩu riêng trong quý 1/2022 là 1,9 triệu tấn, cao gấp 3,2 lần lượng xuất khẩu là 590 nghìn tấn, bị ảnh hưởng nặng nề vì giá dầu thế giới tăng cao trong nửa đầu năm nay do sự mất cân bằng về cán cân cung cầu nói chung, và đặc biệt là do tác động từ cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine.

Như VOA đã đưa tin, cũng như nhiều người đã bày tỏ qua mạng xã hội, giá xăng dầu tăng cao liên tục làm cho đông đảo người dân Việt Nam lo lắng, bất bình. Không ít người than rằng chi phí cho nhiên liệu đang đẩy họ vào cảnh “ngày càng nghèo đi”.

Những người am hiểu về cơ cấu giá xăng dầu chỉ ra rằng mặc dù việc giá của Việt Nam phải đi cùng giá của thế giới, song gánh nặng thuế, phí góp phần làm giá xăng dầu đắt đỏ thêm nhiều một cách bất hợp lý, ảnh hưởng đến đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp.

Sau những phản ứng từ dư luận và hai động thái giảm thuế lần lượt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chính phủ, đến nay, Bộ Tài chính nói rằng so với nhiều nước, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu của Việt Nam “thấp hơn mức bình quân chung” trên thế giới.

Bản tin trên cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam dẫn lại phân tích của Bộ Tài chính cho hay tỷ trọng thuế trong giá cơ sở vào khoảng xấp xỉ 19,4% đối với xăng E5 RON92, gần 22% đối với xăng RON95 và hơn 11% một chút đối với dầu diesel. Trong khi ở nhiều nước khác, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở hiện nay chủ yếu trong khoảng 40%-55% đối với xăng, và 35%-50% đối với dầu, vẫn theo Bộ Tài chính Việt Nam.

Bộ lưu ý rằng chỉ ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn mới có tỷ trọng thuế thấp hơn.