Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Mở rộng điều tra đối với một số tỉnh, thành, khách sạn, resort

Tính đến tháng 10/2022, 23 người bị bắt vì dính líu vào vụ bê bố "chuyến bay giải cứu" ở Việt Nam.

Bộ Công an Việt Nam tiếp tục dấn tới trong cuộc điều tra quy mô lớn về những sai phạm gắn với các chuyến bay đưa công dân về nước thời đại dịch 2020-2021, thường gọi là các chuyến bay giải cứu.

Trong diễn biến mới nhất, bộ yêu cầu Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Nam và một số địa phương khác cung cấp hồ sơ về việc tổ chức các chuyến bay giải cứu và chọn nơi cách ly, báo chí Việt Nam tường thuật hôm 24/10.

Các thông tin bộ muốn thu thập gồm những doanh nghiệp nào xin tổ chức chuyến bay; những người đề xuất, xét duyệt các khách sạn, resort (khu nghỉ dưỡng) làm nơi cách ly; những doanh nghiệp xin chủ trương cách ly, bao gồm cả những doanh nghiệp được cấp lẫn không được cấp chủ trương này; và danh sách những người tham gia giải quyết từng hồ sơ của doanh nghiệp.

Như VOA đã đưa tin, cuộc điều tra của Bộ Công an về vụ án “đưa, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gắn với các chuyến bay giải cứu đã bắt đầu từ cuối tháng 1 năm nay với tổng cộng 19 quan chức các cấp và 4 lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt, tính đến nay.

Vụ án này liên quan đến một loạt các bộ Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải, và Văn phòng Chính phủ, cũng như một số đơn vị khác.

Quan chức cấp cao nhất bị bắt là ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Bên cạnh đó, đáng chú ý trong số những người bị bắt có ông Nguyễn Quang Linh, trợ lý của Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh.

Trong một số cuộc họp báo của mình, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay riêng trong năm 2021 bộ thực hiện gần 600 chuyến bay giải cứu, đưa khoảng 120.000 công dân hồi hương.

Về phía Bộ Công an, người phát ngôn của bộ này từng nói trong một cuộc họp báo hồi đầu tháng 6 rằng đã có gần 2.000 chuyến bay giải cứu người Việt từ nước ngoài trong giai đoạn căng thẳng nhất của đại dịch Covid-19, khi các nước đóng cửa biên giới với nhau.

Để lên được các chuyến bay đó và thực hiện cách ly khi về đến Việt Nam, các công dân Việt Nam đã phải bỏ ra chi phí cao gấp 5 đến 8 lần cho vé máy bay và chi phí ăn ở tại các khách sạn, resort so với trước đại dịch.

Người phát ngôn Bộ Công an cho rằng các bị can đã chia chác số tiền ước tính lên đến hàng nghìn tỉ đồng trong vụ bê bối này.