Quốc hội bàn sửa luật đất đai: Chú ý nhiều đến thẩm quyền thu hồi đất, giá đền bù

"Vườn rau Lộc Hưng" bị cưỡng chế ở Tp.HCM

Một số đại biểu quốc hội Việt Nam hôm 3/11 cho rằng nhà nước chỉ nên thu hồi đất phục vụ an ninh, quốc phòng, đồng thời đề nghị giá đền bù đất đai phải “xứng đáng” để tránh khiếu kiện. Những ý kiến đó được đưa ra khi các đại biểu thảo luận ở tổ về dự thảo Luật đất đai sửa đổi, báo chí Việt Nam tường thuật.

Dự luật đất đai sửa đổi được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trình lên quốc hội Việt Nam hôm 1/11. Vị phó thủ tướng cho biết dự án luật có nhiều điểm mới, quan trọng, đặc biệt trong các vấn đề chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư..., các bản tin trong nước cho hay.

Trong cuộc thảo luận hôm 3/11, phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu của thành phố Hồ Chí Minh, nêu quan điểm rằng nhà nước chỉ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh. Về việc thu hồi đất cho các dự án kinh tế, xã hội, bà cho rằng nhà nước chỉ nên quy định theo hướng thuận mua vừa bán giữa doanh nghiệp và người dân.

Phó giáo sư Trần Hoàng Ngân, một đại biểu khác của Tp.HCM, chia sẻ quan điểm của bà Lan. Ông Ngân, người cũng là thư ký Bí thư Thành ủy Tp.HCM, kiến nghị sửa luật để hạn chế tối đa những dự án nhà nước đứng ra thu hồi đất, theo đó, đối với các dự án kinh tế, xã hội, nhà đầu tư tự thương lượng với người dân theo giá thị trường.

Các đại biểu Trần Quốc Tuấn, tỉnh Trà Vinh; và Phạm Văn Hòa, tỉnh Đồng Tháp, cũng ủng hộ việc cần đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án sinh lời như trung tâm thương mại, nhà ở đô thị…

Đại biểu Nguyễn Như So của tỉnh Bắc Ninh yêu cầu dự luật phải viết cụ thể, rõ ràng hơn về các điều kiện, tiêu chí để phân biệt rõ các dự án kinh tế, xã hội nào phục vụ cho lợi ích quốc gia, công cộng, và dự án nào có mục đích kinh tế đơn thuần.

Làm như vậy để có sự minh bạch trong thu hồi đất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất bị thu hồi, tránh lạm dụng thu hồi đất tràn lan, cũng như tránh khiếu nại, khiếu kiện, theo ông So.

Về vấn đề đền bù, các đại biểu quốc hội khuyến nghị rằng khi nhà nước thu hồi đất, cần đền bù theo giá thị trường để người dân chấp nhận được, không dẫn đến khiếu kiện sau này. Nữ đại biểu Phong Lan lưu ý rằng luật đất đai sửa đổi cần được thiết kế “để tiến tới một xã hội công bằng, người dân bị mất mát ít nhất”.

Đại biểu Lê Hữu Trí, tỉnh Khánh Hòa, đề nghị ban soạn thảo luật hãy xây dựng chính sách sao cho xác định được giá trị đất sát giá thị trường để đền bù đúng và đủ cho người có đất bị thu hồi. Ý kiến của ông Trí nhận được sự ủng hộ từ đại biểu Trần Quốc Tuấn.

Theo kế hoạch, dự luật đất đai được mổ xẻ, thảo luận trong 3 kỳ họp quốc hội trước khi được thông qua vào cuối năm sau. Tuy nhiên, có đại biểu quốc hội cho rằng vì có những vấn đề phức tạp, quan trọng dẫn đến tranh luận nóng bỏng, nên có thể cần phải bàn thêm rồi mới thông qua trong kỳ họp thứ tư, vào giữa năm 2024.