Việt Nam nới trần tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ kinh tế

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở Hà Nội

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ xem xét dỡ bỏ giới hạn tăng trưởng tín dụng, do nền kinh tế nước này đang đối mặt với áp lực từ lãi suất cao và điều kiện cho vay bị thắt chặt, Reuters đưa tin.

Động thái này nhằm ‘vừa đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế’, ông Chính nói trong một tuyên bố được công bố hôm 18/11 trên cổng thông tin Chính phủ.

Trước đó, Việt Nam đã áp trần 14% đối với tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Ông Chính không nói rõ mức trần này sẽ được nâng lên bao nhiêu.

Nền kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào khu vực sản xuất và xuất khẩu. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tùy thuộc rất lớn vào tăng trưởng tín dụng, theo Reuters.

Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhưng gần đây đã phải đối mặt nhiều thách thức, khi nhu cầu toàn cầu suy yếu và đồng đô la Mỹ mạnh lên khiến Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất thêm 200 điểm cơ bản, tức 2%, và để cho tiền đồng suy yếu so với đồng đô la.

Việc tăng lãi suất, cùng với các động thái của chính phủ thắt chặt các quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và hạn chế cho vay, đã khiến nền kinh tế Việt Nam đối mặt với tình trạng thiếu vốn.

Ông Chính đang chỉ đạo các ngành tài chính và ngân hàng ‘vạch ra các biện pháp để giải quyết những khó khăn và sửa chữa các quy định không phù hợp’, tuyên bố của chính phủ cho biết.

Khu vực bất động sản Việt Nam đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng với tình trạng thiếu vốn do không thể vay vốn từ ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp bất động sản hàng đầu, trong đó có Nova Land, phải sa thải nhân viên và bán tài sản để trả nợ.

Trong khi đó, kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng đang tắc dần khi số tiền huy động qua trái phiếu giảm dần theo từng quý trong khi các trái chủ ồ ạt bán trái phiếu chưa đến hạn để rút tiền ra trong bối cảnh hàng loạt vụ bê bối trái phiếu doanh nghiệp bị phanh phui như ở các tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát.