Việt Nam yêu cầu dừng đấu giá sắc phong bị rao bán tại Trung Quốc

Các sắc phong Việt Nam được rao bán tại Thượng Hải, Trung Quốc.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 20/4 cho biết đã yêu cầu phía Trung Quốc dừng cuộc đấu giá các sắc phong Việt Nam tại Thượng Hải và sự kiện này đã được dừng lại chỉ vài ngày trước ngày dự kiến diễn ra.

“Chúng tôi cũng yêu cầu phía Thượng Hải cung cấp thông tin liên quan đến các sắc phong. Ngày 19/4, đại diện Cục Văn hoá và Du lịch Thượng Hải đã quyết định dừng cuộc đấu giá này và sẵn sàng phối hợp với phía Việt Nam cung cấp các thông tin liên quan. Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Văn hoá Thông tin và Du lịch cùng các cơ quan liên quan theo dõi sát sự việc”, ông Đoàn Khắc Việt, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết trong cuộc họp báo ngày 20/4.

Trước đó, vào ngày 12/4, Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” đăng thông tin cho biết cuộc đấu giá có tên “Giấy cũ phồn hoa - Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm” sẽ diễn ra vào ngày 22/4/2023, tại Khách sạn Majesty Plaza Thượng Hải, Trung Quốc.

Trong số 672 món đồ bằng giấy được đưa ra đấu giá, có những đạo sắc phong mà một số chuyên gia tại Việt Nam cho rằng có khả năng là hiện vật gốc xuất xứ từ Việt Nam.

Trong số này, có 3 đạo sắc phong có khả năng thuộc nguồn gốc di tích đền Quốc Tế, tại xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, và 9 sắc phong có thể từ Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương.

Sau khi truyền thông đưa tin về cuộc đấu giá, Cục Di sản văn hóa, thuộc Bộ VHTT&DL, đã yêu cầu các địa phương trên xác minh thông tin. Lãnh đạo các tỉnh thành này sau đó xác nhận các đạo sắc phong bị rao bán là tài sản bị đánh cắp do địa phương quản lý.

Bộ VHTT&DL Việt Nam cũng gửi công văn đề nghị Bộ Ngoại giao làm việc với UNESCO và các tổ chức, cơ quan liên quan của Trung Quốc, thông qua biện pháp ngoại giao để hồi hương các sắc phong có nguồn gốc từ Việt Nam được nhập khẩu bất hợp pháp vào Trung Quốc.

Hiện thông tin về cuộc đấu giá ngày 22/4 đã được gỡ bỏ trên website của Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” .

Năm ngoái, một cổ vật khác của Việt Nam là ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của triều Nguyễn cũng được nhà đấu giá Millon đưa ra đấu giá tại Pháp.

Sau khi Bộ Ngoại giao và VHTT&DL Việt Nam can thiệp, ấn vàng này đã được ông Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội cổ vật Bắc Ninh, mua lại với giá thoả thuận là 6,1 triệu euro (khoảng 154 tỉ đồng).

Bộ VHTT&DL hôm 24/3 cho biết quá trình đàm phán, thương lượng và tiến hành thủ tục hồi hương ấn vàng vẫn đang diễn ra do phải thực hiện cam kết giữa các bên và làm thủ tục theo đúng quy định pháp luật của Pháp và Việt Nam.