Bộ trưởng Nông nghiệp: Việt Nam xuất khẩu 7 triệu - 8 triệu tấn gạo năm 2023

Công nhân đang bốc dỡ gạo xuất khẩu ở cảng Kakinada Anchorage thuộc bang Andhra Pradesh trước khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo. [Ảnh minh họa]

Việt Nam có 7 triệu đến 8 triệu tấn gạo để xuất khẩu trong năm nay, sau khi dự trữ đủ cho an ninh lương thực quốc gia, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết hôm 15/8.

Phát biểu trước Quốc hội, ông Hoan nói rằng hệ thống thủy lợi của đất nước cho phép nông dân sản xuất lúa gạo quanh năm ở Đồng bằng sông Cửu Long, theo Reuters.

Hãng thông tấn này nói rằng ông Hoan phát biểu như vậy sau khi Ấn Độ, vốn chiếm hơn 40% xuất khẩu gạo toàn cầu, tháng trước đã ra lệnh tạm dừng vận chuyển loại gạo xuất khẩu lớn nhất của mình để làm dịu giá cả trong nước, đẩy giá toàn cầu lên mức cao nhất trong 15 năm và gây lo ngại về lạm phát lương thực vốn đã cao trên toàn cầu.

Ông Hoan nói rằng giá tăng tạo cơ hội cho Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới vào năm ngoái sau Ấn Độ và Thái Lan, để thúc đẩy xuất khẩu, theo Reuters.

"Tuy nhiên, nó cũng gây áp lực lên giá trong nước và chúng tôi không biết khi nào Ấn Độ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm", ông được hãng tin trên dẫn lời nói thêm.

Theo báo Tuổi Trẻ, phát biểu trong cuộc chất vấn tại quốc hội, ông Hoan nói rằng an ninh lương thực “luôn là vấn đề thiết yếu, cấp bách”.

“Ngày nay, đảm bảo an ninh lương thực không chỉ đề cập đến đủ lượng lúa gạo, mà còn bao gồm các sản phẩm lương thực, thực phẩm khác như thịt cá, rau quả, cây lương thực khác”, ông nói, theo Tuổi Trẻ.

Tờ báo này cũng dẫn lời ông Hoan nói rằng gạo vẫn là mặt hàng tiêu dùng chính, chiếm 70% trong tiêu dùng lương thực thực phẩm, nên “giữ đất lúa là cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia”.

Reuters đưa tin, theo dữ liệu của chính phủ, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay đã tăng 21% so với một năm trước đó lên 4,89 triệu tấn. Gạo xuất khẩu đạt tổng cộng 7,1 triệu tấn vào năm ngoái.