Việt Nam, Indonesia đối thoại quốc phòng, đề cập đến Biển Đông

Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam-Indonesia tại Hà Nội vào ngày 31/10/2023.

Việt Nam, Indonesia vừa tổ chức đối thoại về chính sách quốc phòng lần thứ 3 tại Hà Nội vào chiều 31/10, trong đó hai bên chia sẻ tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông và nhất trí phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, cơ chế đa phương.

Cuộc đối thoại diễn ra dưới sự chủ trì của Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, và Trung tướng Donny Ermawan Taufanto, Tổng Thư ký Bộ Quốc phòng Indonesia, giữa bối cảnh Việt Nam và Indonesia kỷ niệm 68 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược.

Mục tiêu của cuộc đối thoại là nhằm đánh giá kết quả hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Indonesia trong thời gian qua, kể từ Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần thứ 2 vào năm 2021, và định hướng hợp tác quốc phòng song phương trong thời gian tới, theo báo Quân Đội Nhân Dân.

Tại cuộc đối thoại, phía Việt Nam tiếp tục khẳng định chính sách quốc phòng “bốn không” của mình, bao gồm không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác, và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Hai bên cũng đề cao vai trò của ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đồng thời chia sẻ tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Cả hai phía đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thúc đẩy cam kết và thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán, ký kết Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Hai bên cũng đồng ý phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, cơ chế đa phương, nhất là các cơ chế mà ASEAN dẫn dắt.

Hai bên cũng cho biết sẽ tiếp tục phát triển hợp tác quốc phòng song phương, đóng góp vào nỗ lực chung của hai nước nhằm hướng tới nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Mặc dù không phải là một bên trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông lại chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna.

Chính vì vậy, trong những năm 2019 và 2020, Indonesia đã nhiều lần đệ trình công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối tàu cá Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Vào tháng 9 vừa qua, Indonesia lần đầu tiên tham gia cùng các thành viên ASEAN trong cuộc diễn tập quân sự chung ở vùng biển Natuna của nước này.

Trong tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2023, Indonesia đã nỗ lực thúc đẩy cho việc ký kết COC, đồng thời tăng cường vai trò trung gian của ASEAN trong việc giúp giải quyết căng thẳng trên Biển Đông.