EU khuyến nghị thành viên mở các cuộc đàm phán với Bosnia về việc gia nhập liên minh

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen.

Cơ quan điều hành của Liên minh Châu Âu sẽ khuyến nghị các nước thành viên mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Bosnia-Herzegovina, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết hôm 12/3, bất chấp sự chia rẽ sắc tộc vẫn còn tồn tại ở quốc gia Tây Balkan này.

Bosnia-Herzegovina nằm trong số 6 quốc gia trong khu vực – còn gồm cả Albania, Serbia, Kosovo, Montenegro và Bắc Macedonia – đang ở các giai đoạn khác nhau của quá trình gia nhập EU sau thời kỳ chiến tranh và khủng hoảng vào những năm 1990.

Việc công nhận tư cách thành viên của họ đã bị ngưng trệ trong nhiều năm. Nhưng sau khi cuộc chiến của Nga với Ukraine nổ ra, các quan chức EU quan tâm nhiều hơn đến việc cố gắng lôi kéo các nước này thoát khỏi ảnh hưởng của Điện Kremlin.

“Chúng ta đã nhận thấy rằng chỉ đứng chờ các nước Tây Balkan tiến lại gần chúng ta là chưa đủ”, bà Von der Leyen nói với các nhà lập pháp EU hôm 12/3. “Chỉ nói rằng cánh cửa đã mở là chưa đủ. Chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm và ủng hộ con đường hướng tới Liên minh của họ bằng mọi cách có thể”.

Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ thảo luận về khuyến nghị của Ủy ban châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh đã được lên kế hoạch diễn ra ở Brussels vào tuần tới.

Người đứng đầu Hội đồng Bộ trưởng Bosnia, cơ quan đóng vai trò là chính phủ của nước này, bà Borjana Kristo, bày tỏ hy vọng rằng các nước thành viên EU sẽ bật đèn xanh cho việc mở các cuộc đàm phán để gia nhập. Bà Kristo hứa rằng Bosnia sẽ tiếp tục cải cách.

“Những gì chúng tôi đã làm cho đến nay là đủ (đối với khuyến nghị), nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục làm nữa,” bà nói. “Nghĩa vụ của chúng tôi là tiếp tục cải cách.”

Không có gì đảm bảo rằng các quốc gia thành viên sẽ tán thành khuyến nghị này trong lúc nhà lãnh đạo ly khai người Serbia ở Bosnia, ông Milorad Dodik – một người thân Nga, tiếp tục làm suy yếu quyền lực tổng thống và các chức năng chính trị khác trong nước.

Bosnia đã bị chia rẽ bởi sự phân chia sắc tộc, thậm chí nhiều thập kỷ sau khi cuộc chiến chia cắt đất nước vào những năm 1990. Hồi tháng 12, ông Dodik nói với hãng tin AP rằng ông có ý định tiếp tục làm suy yếu đất nước đến mức tan rã.

Ông Dodik hoan nghênh khuyến nghị của ủy ban nhưng nói rằng “điều đó không có ý nghĩa nhiều” vì không có ngày gia nhập chính xác được thông báo.

“Con đường vào (Liên minh) châu Âu rất quan trọng đối với chúng tôi vì nó thể hiện sự hoàn thành một mục tiêu lớn của quốc gia – Người Serbia sống trong một khu vực kinh tế và chính trị duy nhất không biên giới”, ông Dodik nói. Ông mô tả Bosnia là một “EU nhỏ”, có thể hoạt động “mà không có lợi ích nào bị loại trừ”.

Bosnia được cấp tư cách ứng cử viên vào năm 2022. Để các ứng cử viên gia nhập EU, họ phải trải qua một quá trình lâu dài để điều chỉnh luật pháp và tiêu chuẩn của mình phù hợp với luật pháp và tiêu chuẩn của khối cũng như chứng tỏ các thể chế và nền kinh tế của họ đáp ứng các chuẩn mực dân chủ.

Bà Von der Leyen nói rằng Bosnia cần phải đạt được “nhiều tiến bộ hơn nữa” để gia nhập EU, nhưng nhấn mạnh vào “những bước đi ấn tượng” mà nước này đã đạt được đối với khối 27 quốc gia.

“Chỉ hơn trong một năm mà (Bosnia) đã đạt được nhiều tiến bộ hơn so với trong hơn một thập kỷ,” bà nói. “Trước tiên, Bosnia và Herzegovina hiện hoàn toàn phù hợp với chính sách đối ngoại và an ninh của chúng tôi, điều này rất quan trọng trong thời điểm bất ổn địa chính trị này”.

Bà cũng ca ngợi đất nước này vì những nỗ lực chống rửa tiền, chống tài trợ cho khủng bố và cải thiện việc kiểm soát dòng di cư.

“Quốc gia này đang cho thấy rằng họ có thể đáp ứng các tiêu chí thành viên và nguyện vọng của người dân là trở thành một phần của gia đình chúng ta,” bà Von der Leyen nói. “Thông điệp đến từ Bosnia và Herzegovina rất rõ ràng. Vì vậy thông điệp của chúng ta cũng phải rõ ràng. Tương lai của Bosnia và Herzegovina nằm ở Liên minh chúng ta”.

Bosnia có lẽ là quốc gia mong manh nhất trong số các quốc gia vùng Balkan. Căng thẳng sắc tộc tại đây vẫn tiếp diễn, dù đã rất lâu sau khi kết thúc cuộc chiến 1992-1995, vốn khiến hơn 100.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời.