Nga tuyên bố sẽ không thảo luận về hiệp ước hạt nhân mới với Hoa Kỳ theo hình thức hiện thời

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.

Nga sẽ không thảo luận về việc ký kết một hiệp ước mới với Hoa Kỳ để thay thế một thỏa thuận hạn chế vũ khí hạt nhân chiến lược của mỗi bên, vốn sẽ hết hạn vào năm 2026, vì nó cần được mở rộng để bao gồm các quốc gia khác, Điện Kremlin cho biết hôm thứ Ba (1/10).

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã đưa ra những bình luận này khi được hỏi về số phận của Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới, gọi tắt là New START, dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 5 tháng 2 năm 2026.

Thỏa thuận này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Hoa Kỳ và Nga có thể triển khai, cũng như việc triển khai máy bay ném bom và tên lửa từ tàu ngầm và trên mặt đất. Đây là trụ cột cuối cùng còn lại của việc kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Nga.

Tổng thống Vladimir Putin vào năm 2023 đã đình chỉ sự tham gia của Nga vào hiệp ước vì Hoa Kỳ ủng hộ Ukraine, mặc dù Moscow đã tuân thủ các giới hạn về đầu đạn, tên lửa và máy bay ném bom theo thỏa thuận - giống như Hoa Kỳ đã làm.

Trích dẫn một nguồn tin cấp cao giấu tên của Nga, tờ Izvestia đưa tin trước đó vào thứ Ba rằng Nga sẽ không ký một hiệp ước mới với Hoa Kỳ do Washington ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Khi được hỏi về bản tin của Izvestia, ông Peskov nói rằng tin tức này về cơ bản phù hợp với những phát biểu của ông Putin.

"Đầu năm nay, ông (Putin) đã nói rằng vì những điều kiện đã thay đổi, hầu như không thể thảo luận về vũ khí tấn công chiến lược, kho vũ khí, v.v., mà không tính đến cơ sở hạ tầng hạt nhân quân sự ở châu Âu, không đưa các quốc gia châu Âu vào quá trình đàm phán và không đề cập đến các yếu tố khác của an ninh chiến lược, và rằng Nga sẽ không làm như vậy", ông Peskov nói với các phóng viên.

"Chúng ta phải nhìn nhận tỉnh táo về tình hình đã phát triển và, tính đến tất cả các khía cạnh mới, tổ chức quá trình đàm phán. Đối với chúng tôi, có vẻ như sẽ là vô lý nếu khăng khăng tiến hành các cuộc đàm phán như vậy như không có gì xảy ra. Nga sẽ không làm như vậy".

Nga và Hoa Kỳ cùng nhau kiểm soát 88% đầu đạn hạt nhân của thế giới. Tuần trước, ông Putin cho biết Nga đang cập nhật chính sách liên quan đến vũ khí hạt nhân và mở rộng danh sách các kịch bản mà nước này có thể phải sử dụng đến chúng.