Tân Tổng thư ký NATO cam kết hỗ trợ Ukraine, tuyên bố không lo lắng về cuộc bầu cử ở Mỹ

Tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte.

Tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ Ukraine hôm thứ Ba (1/10) và cho biết ông không lo lắng về cuộc bầu cử sắp tới của Hoa Kỳ vì ông có thể làm việc với cựu Tổng thống Donald Trump hoặc Phó Tổng thống Kamala Harris.

Ông Rutte, cựu thủ tướng Hà Lan, đã thay thế ông Jens Stoltenberg làm tổng thư ký NATO chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 5 tháng 11 giữa bà Harris thuộc Đảng Dân chủ và ông Trump thuộc Đảng Cộng hòa, người đã nhiều lần chỉ trích NATO.

Ông Trump cũng từ chối nói liệu ông có muốn Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại cuộc xâm lược của Nga hay không.

Nhưng ông Rutte đã hạ thấp mối lo ngại trong liên minh xuyên Đại Tây Dương về cuộc bầu cử tại quốc gia có quyền lực thống trị trong NATO.

Ông nói với các phóng viên tại trụ sở NATO: "Tôi không lo lắng. Tôi đã làm việc bốn năm với ông Donald Trump. Ông ấy là người thúc đẩy chúng tôi chi tiêu nhiều hơn (cho quốc phòng) và ông ấy đã đạt được - bởi vì... hiện tại chúng tôi đang ở mức chi tiêu cao hơn nhiều so với khi ông ấy nhậm chức".

NATO ước tính rằng 23 trong số 32 thành viên của mình sẽ đạt được mục tiêu chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng trong năm nay, so với chỉ ba quốc gia cách đây một thập kỷ.

Các quan chức cho rằng một phần là nhờ ông Trump nhưng phần lớn là do cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga.

Ông Rutte cho biết rằng ông Trump cũng đã đúng khi thúc đẩy NATO tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc. Ông nhắc lại lời khẳng định của NATO rằng Trung Quốc đã trở thành "nước hỗ trợ quyết định" cho nỗ lực chiến tranh của Moscow ở Ukraine bằng cách cung cấp cho Nga công nghệ quan trọng.

Ông Rutte cũng khen ngợi bà Harris, nói rằng bà có "thành tích tuyệt vời với tư cách là phó tổng thống" và là "một nhà lãnh đạo được kính trọng".

Về cuộc chiến ở Ukraine, ông tránh trả lời trực tiếp khi được hỏi liệu Kyiv có đang giành chiến thắng hay không. Các thành viên NATO cung cấp phần lớn vũ khí và đạn dược cho Ukraine.

Ông Rutte nói rằng tình hình trên chiến trường "khó khăn" và Nga đã đạt được những thành quả “hạn chế" trong năm nay nhưng phải trả giá đắt. Ông cho biết đã thấy ước tính rằng gần đây có 1.000 binh lính Nga bị giết hoặc bị thương mỗi ngày.

"Chúng ta phải đảm bảo rằng Ukraine sẽ thắng thế với tư cách một quốc gia có chủ quyền, độc lập và dân chủ", ông nói.

Ra chỉ dấu về sự tiếp nối với chính sách của ông Stoltenberg, ông Rutte cho biết ông có ba ưu tiên chính - đảm bảo NATO có đủ năng lực để bảo vệ chống lại mọi mối đe dọa, hỗ trợ Ukraine và giải quyết các thách thức toàn cầu bằng cách hợp tác với các đối tác "gần và xa".

Cuộc chiến ở Ukraine đã đưa NATO - được thành lập vào năm 1949 để ngăn chặn và bảo vệ chống lại mọi cuộc tấn công vào Tây Âu của Liên Xô - trở lại trung tâm của chính trường quốc tế.

Trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây nhấn mạnh NATO là một liên minh phòng thủ, thì Moscow từ lâu vẫn khẳng định rằng liên minh này là mối đe dọa đối với an ninh của Nga.

Điện Kremlin cho biết hôm thứ Ba rằng họ không mong đợi bất kỳ sự cải thiện nào trong quan hệ với NATO dưới thời ông Rutte.