Mỹ: Công đoàn công nhân cảng dừng đình công đến ngày 15/1 để đàm phán

Công nhân bốc xếp đình công trước lối vào một nhà ga container gần Cảng Boston, Mỹ, vào ngày 1/10/2024.

Công đoàn đại diện cho 45.000 công nhân bốc xếp tại các cảng bờ biển phía Đông và bờ Vịnh của Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận vào ngày 3/10 trong việc đình chỉ cuộc đình công đã kéo dài ba ngày cho đến ngày 15/1 để có thời gian đàm phán hợp đồng mới.

Công đoàn, Hiệp hội Công nhân Cảng Quốc tế, sẽ tiếp tục làm việc ngay lập tức. Cuộc đình công tạm thời kết thúc sau khi công đoàn và Liên minh Hàng hải Hoa Kỳ, vốn đại diện cho các cảng và công ty vận chuyển, đạt được thỏa thuận tạm thời về tiền lương, theo công đoàn và các cảng cho biết trong một tuyên bố chung.

Một người được thông báo về thỏa thuận này cho biết các cảng đã tăng mức lương đề nghị từ khoảng 50% trong 6 năm lên 62%. Người này không muốn nêu tên vì thỏa thuận này chỉ là tạm thời. Bất kỳ mức tăng lương nào cũng phải được các thành viên công đoàn chấp thuận như một phần của quá trình phê chuẩn hợp đồng cuối cùng.

Công đoàn đã đình công vào sáng ngày 1/10 sau khi hợp đồng của họ hết hạn do tranh chấp về tiền lương và tình trạng tự động hóa các công việc tại 36 cảng trải dài từ Maine đến Texas. Cuộc đình công tại các cảng, nơi xử lý khoảng một nửa lượng hàng hóa từ các tàu ra vào Mỹ, diễn ra vào thời gian cao điểm của mùa mua sắm lễ hội.

Cuộc đình công làm tăng nguy cơ thiếu hụt hàng hóa trên kệ hàng trong các cửa hàng nếu kéo dài hơn vài tuần. Tuy nhiên, hầu hết các nhà bán lẻ đã dự trữ hoặc vận chuyển hàng hóa sớm để chuẩn bị cho cuộc đình công của công nhân bốc dỡ hàng hóa.

“Nhờ ơn Chúa và thiện chí của các bên, cuộc đình công sẽ dừng lại”, Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên vào tối ngày 3/10 sau thỏa thuận.

Trong một tuyên bố sau đó, ông Biden đã hoan nghênh cả hai bên “vì đã hành động theo tinh thần yêu nước để mở cửa trở lại các cảng của chúng ta và đảm bảo nguồn cung cấp quan trọng cho quá trình phục hồi và tái thiết sau cơn bão Helene”.

Ông Biden nói rằng thương lượng tập thể là “rất quan trọng để xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ hơn từ tầng lớp trung lưu và người lao động”.

Các thành viên của công đoàn sẽ không cần phải biểu quyết về việc tạm dừng cuộc đình công, nghĩa là các cần cẩu khổng lồ bắt đầu xếp dỡ các container vận chuyển vào tối ngày 3/10. Cho đến ngày 15/1, người lao động sẽ được bảo hiểm theo hợp đồng cũ, đã hết hạn vào ngày 30 /9.

Công đoàn đã yêu cầu tăng lương 77% trong 6 năm, cộng với lệnh cấm hoàn toàn việc sử dụng tự động hóa tại các cảng, mà các thành viên coi là mối đe dọa đối với công việc của họ.

Thomas Kohler, giảng viên luật lao động và việc làm tại Cao đẳng Boston, cho biết thỏa thuận ngừng đình công có nghĩa là hai bên đang tiến gần đến một thỏa thuận cuối cùng.

“Tôi chắc chắn rằng nếu họ không đi đến một giải pháp nào thì họ đã không đình chỉ (cuộc đình công),” ông Kohler nói. “[Công nhân] được trả lương. Họ sẽ giải quyết vấn đề tự động hóa, và tôi chắc chắn rằng điều này thực sự có nghĩa là nó cho các bên thời gian để ngồi lại và tìm ra chính xác ngôn từ mà cả hai bên đều có thể chấp nhận được.”

Các nhà phân tích trong ngành nói rằng cứ mỗi ngày đình công tại cảng, phải mất 4 đến 6 ngày để phục hồi. Nhưng họ cho biết một cuộc đình công ngắn trong vài ngày có lẽ sẽ không làm tắc nghẽn quá nghiêm trọng chuỗi cung ứng.

Thỏa thuận này đẩy cuộc đình công và bất kỳ tình trạng thiếu hụt tiềm ẩn nào qua sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, loại bỏ trách nhiệm có thể có đối với Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên của đảng Dân chủ. Đây cũng là một điểm cộng lớn cho chính quyền Biden-Harris, vốn tự xem mình là chính quyền thân thiện với công đoàn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Tình trạng thiếu hụt có thể đẩy giá lên cao và làm bùng phát lạm phát.

Thỏa thuận hôm 3/10 được đưa ra sau khi các quan chức chính quyền Mỹ họp với các công ty vận tải biển nước ngoài trên Zoom trước khi bình minh ló rạng, theo một người được thông báo về các sự kiện trong ngày và yêu cầu không nêu tên vì các cuộc đàm phán là riêng tư. Người này cho biết Nhà Trắng muốn tăng áp lực để giải quyết, nhấn mạnh trách nhiệm mở cửa trở lại các cảng để hỗ trợ phục hồi sau cơn bão Helene.