Lãnh đạo đối lập Zimbabwe vào Ðại sứ quán Hà Lan tị nạn

Nhà lãnh đạo đảng đối lập Zimbabwe, ông Morgan Tsvangirai đã xin tỵ nạn tại Đại sứ quán Hà Lan ở thủ đô Harare. Theo tường thuật của thông tín viên đài VOA Delia Robertson thì tin tức về diễn biến này được đưa ra một ngày sau khi ông Tsvangirai rút ra khỏi cuộc tranh cử tổng thống vòng nhì mà đối thủ là đương kim Tổng thống Zimbabwe, ông Robert Mugabe.

Bộ Ngoại giao Hà Lan xác nhận rằng ông Morgan Tsvangirai đang ở trong Đại sứ quán của Hà Lan ở Harare. Bộ Ngoại giao cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan đã đưa ra quyết định này trước đó sau khi đảng đối lập Phong trào Thay đổi vì Dân Chủ yêu cầu được giúp đỡ nếu cần thiết.

Ông Tsvangirai đã chạy vào Đại sứ quán Hà Lan sau khi cảnh sát bố ráp trụ sở chính của đảng do ông lãnh đạo, và bắt mấy chục ủng hộ viên của đảng này. Đảng đối lập Phong trào Thay đổi vì Dân chủ nói rằng phần lớn những người bị bắt là các bà mẹ, con cái của họ và các nạn nhân khác của các vụ bạo động chính trị chạy vào trú ẩn trong văn phòng của đảng trong thủ đô Harare.

Trước đó ông Tsvangirai nói với đài phát thanh Nam Phi rằng ông sẵn sàng thương thảo với Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe nếu các vụ bạo động chính trị chấm dứt.

Ông Morgan Tsvangirai nói rằng ông sẵn sàng thương thảo với Tổng thống Zimbabwe theo cách hướng đến tương lai - sau khi ông quyết định rút ra khỏi cuộc bầu cử vòng nhì - với điều kiện tình trạng bạo động chính trị phải chấm dứt.

Ông Tsvangirai rút ra khỏi cuộc tranh cử hôm Chủ Nhật vì cho rằng cuộc bầu cử chỉ là một trò giả mạo bất hợp pháp. Tuy nhiên Bộ trưởng Tư pháp Zimbabwe Patrick Chinamasa nói rằng bầu cử vẫn sẽ được xúc tiến.

Tuyên bố này cũng đã được Chủ tịch Ủy ban Bầu cử ông George Chiweshe lập lại với đài phát thanh Nam Phi, rằng một cuộc bầu cử đáng tin cậy vẫn có thể tiến hành.

Ông Chiweshe nói: “Mọi việc đều đã đâu vào đó, các phương tiện hậu cần đã xếp đặt xong xuôi, chúng tôi đang bố trí nhân viên và các viên chức phụ trách bầu cử tại địa điểm đầu phiếu, đến các quận, các đơn vị bầu cử. Chúng tôi đang làm tất cả các việc đó.”

Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki, người đã tạo điều kiện để đảng Phong trào Thay đổi vì Dân chủ của ông Tsvangira đàm phán với đảng ZANU-PF của Tổng thống Mugabe hồi năm ngoái, nói rằng ông hy vọng 2 đảng sẽ trở lại bàn đàm phán.

Tổng thống Mbeki nói: “Điều vẫn cần thiết là giới lãnh đạo chính trị Zimbabwe ngồi lại và tìm một giải pháp cho những thách thức Zimbabwe đang phải trực diện. Vì vậy tôi hy vọng rằng giới lãnh đạo sẽ vẫn cởi mở đối với một tiến trình sẽ dẫn đến kết quả là họ sẽ tiến đến một thỏa thuận nào đó để giải quyết về những gì xảy ra cho đất nước của họ.”

Tuy nhiên hôm Chủ Nhật ông Tsvangirai nói rõ rằng ông muốn Châu Phi, kể cả Liên Hiệp Châu Phi, can thiệp nhiều hơn vào Zimbabwe. Hôm thứ Hai, Liên hiệp châu Phi đưa ra một tuyên bố nói rằng tổ chức này rất quan ngại về tình hình tại Zimbabwe.