Thị trường chứng khoán Châu Á trượt dốc

Chỉ số chứng khoán của Indonesia sụt hơn 10% vào một trong những ngày giao dịch tệ hại nhất tại Châu Á từ trước tới nay. Tại Tokyo, chỉ số Nikkei sụt hơn 9% vào lúc thị trường đóng cửa. Đây là phiên giao dịch xấu nhất từ khi xảy ra sự sụp đổ của thị trường tài chính thế giới năm 1987. Từ thủ đô Jakarta, thông tín viên viên Katie Hamann của đài VOA ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật từ Jakarta.

Giá cổ phiếu trên thị trường Châu Á sụt mạnh trong ngày hôm nay. Tại Indonesia chỉ số chính của của nền kinh tế lớn nhất Châu Á này sụt 10,4% để đáp ứng với việc chính phủ tăng lãi suất, giá các mặt hàng sụt giảm và lạm phát gia tăng.

Vào lúc xế trưa, thị trường chứng khoán Jakarta đã ngưng phiên giao dịch trong thời gian vô hạn định. Các giới chức cho hay việc đình chỉ là đúng vì chứng khoán đã sụt hơn 20% trong vòng 3 ngày.

Ông Purbaya Yudi Sadewo là một kinh tế gia kỳ cựu tại công ty chứng khoá Danareksa ở địa phương. Ông nói rằng lãi suất tăng đi ngược lại chiều hướng trên toàn cầu và tạo ra sự hoảng sợ về việc có đủ tiền mặt cho các công ty vay mượn.

Ông Sadewo nói: “Hành động đó đưa ra một tín hiệu cho thị trường rằng có phần chắc chính phủ sẽ thắt chặt tình trạng cho vay tiền mặt hơn. Mặc dù trong tình hình hiện nay hệ thống ngân hàng vốn đang bị hạn chế rất nhiều về tiền mặt. Vì vậy, theo tôi, quyết định của Ngân hàng trung ương không phù hợp với thực tế. Đó là lý do vì sao chúng ta chứng kiến sự sụt giá tệ hại nhất của chứng khoán trong ngày hôm nay.”

Mặc dù nỗ lực của các chính phủ trong khu vực nhằm thúc đẩy thị trường qua việc đổ thêm tiền vào hệ thống tài chính hay cắt giảm lãi suất, các nhà đầu tư bỏ chạy khỏi thị trường chứng khoán vì sợ sẽ xảy ra tình trạng suy thoái toàn cầu trầm trọng và cuộc khủng hoảng tín dụng sẽ tệ hại hơn.

Tại Nhật Bản, tình trạng được mô tả là người ta hoảng hốt bán túng bán tháo cổ phiếu đã khiến chỉ số Nikkei sụt mạnh. Chỉ số này sụt 9,4%, kết thúc với mức thấp nhất trong gần 5 năm nay. Đây là mức giảm sút lớn nhất trong một ngày kể từ khi thị trường tài chính thế giới sụp đổ năm 1987. Chính phủ Nhật đã bơm gần 21 tỉ đôla vào thị trường tiền tệ, đánh dấu ngày thứ 16 liên tiếp mà chính phủ phải ra tay can thiệp.

Đồng Yen, tuy vậy vẫn tăng giá trong bối cảnh giá cổ phiếu sụt giảm. Chỉ tệ của Nhật trở thành chỉ tệ được các nhà đầu tư nhất trí ưa chuộng.

Tại Hongkong, chính phủ đã tìm cách chận đứng tình trạng sụt giảm bằng cách giảm lãi suất xuống 1%. Nhưng chỉ số Hằng Sinh vẫn sụt 8%, xuống tới mức thấp nhất từ 28 tháng nay. Chỉ số Hằng sinh đã sụt gần 52% so với mức cao kỷ lục cách đây 1 năm.

Các cổ phần tài chính và viễn thông dẫn đầu sự sụt giảm trong chỉ số tổng hợp tại Thượng hải. Thị trường tại đây sụt 3% vào giờ đóng cửa. Việc bán cổ phiếu diễn tiến suốt ngày mặc dù báo chí loan tin chính phủ có thể sẽ cắt giảm lãi suất trong nay mai.

Các chỉ số chính ở cả Nam Triều Tiên và Đài Loan cũng sụt gần 6% trong việc mua bán. Chỉ số chính tại Mumbai sụt trên 4% vào cuối ngày giao dịch.