Thị trường chứng khoán Châu Á trải qua thêm một ngày ảm đạm

Các thị trường chứng khoán Châu Á đã trải qua thêm một ngày sụt giá gay go, ngay trong lúc các nhà quyết định chính sách tìm cách phục hồi niềm tin. Các nhà lãnh đạo các nền kinh tế tân tiến đã bầy tỏ sự quan ngại về những sự dao động trong chỉ tệ Nhật Bản, và tổng thống Nam Triều Tiên phác họa chương trình làm việc của ông nhằm vượt qua cơn hoảng loạn toàn cầu. Từ Hán Thành, thông tín viên đài VOA Kurt Achin ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Thái Lan đình chỉ việc mua bán trong thị trường chứng khoán hôm nay, sau khi giá cả sụt gần 10% ngay sau khi thị trường mở cửa. Biện pháp được gọi là ‘cầu dao điện’ đã được sử dụng để làm hạ giảm tình trạng bán tống bán tháo hoảng loạn mới nhất. Philippin cũng ngưng giao dịch sau khi chứng khoán sụt hơn 12%.

Chỉ số Hằng Sinh của Hong Kong trượt hơn 12% xuống tới mức thấp nhất lúc thị trường đóng cửa từ 4 năm nay, và chỉ số Nikkei của Nhật Bản sụt gần 6,5% xuống tới mức thấp nhất lúc thị trường đóng cửa kể từ năm 1982.

Khả năng tiếp cận tín dụng trên trường quốc tế đã co cụm sau vụ sụp đổ các ngân hàng lớn tại Hoa Kỳ. Sự kiện này, cộng với những dự đoán về một cuộc suy thoái trầm trọng tại Hoa Kỳ đã giáng một cú mạnh vào các thị trường chứng khoán toàn cầu trong nhiều ngày.

Các nhà đầu tư đổ xô mua đôla và chứng khoán của chính phủ Hoa Kỳ, mà họ coi là an toàn, đẩy mạnh trị giá hối đoái của đồng đôla so với các chỉ tệ Châu Á. Các nhà lãnh đạo nhóm 7 quốc gia công nghiệp tiên tiến, tức G-7, đã bầy tỏ sự quan ngại rằng đồng Yen của Nhật Bản cũng bị lạm phát.

Trong một thông cáo chung được bộ trưởng tài chính Nhật Bản Nakagawa Shoichi tuyên đọc, các nhà lãnh đạo tái khẳng định một ‘sự quan tâm chung đối với một hệ thống tài chính quốc tế vững vàng và ổn định.’

Ông Nakagawa nói rằng sự bất ổn quá mức có tác động bất lợi lên viện trợ kinh tế và nền ổn cố tài chính. Theo ông, chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi các biến chuyển trên các thị trường ngoại hối. Các giới chức Nhật Bản cho hay họ đang cứu xét việc bơm vốn ồ ạt vào hệ thống ngân hàng trong nước để tìm cách bù đắp các ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng hiện thời.

Tại Nam Triều Tiên, chứng khoán hơi tăng vào lúc kết thúc ngày giao dịch, nhờ vào quyết định mạnh của ngân hàng trung ương, và một bài diễn văn chi tiết về chính sách kinh tế của tổng thống Nam Triều Tiên. Ngân hàng Triều Tiên đã cắt lãi suất chính xuống 0,75%, là mức cắt giảm lớn nhất trong lịch sử Nam Triều Tiên.

Chỉ có một lần khác ngân hàng trung ương Nam Triều Tiên giảm lãi suất là sau ngày 11 tháng 9 năm 2001. Tổng thống Lee Myung-bak đã trình bầy trước các nhà lập pháp với hy vọng trấn an người dân và các nhà đầu tư quốc tế.

Tổng thống Nam Triều Tiên nói rằng một số người nêu thắc mắc liệu chúng ta có thể vượt qua cuộc khủng hoảng này hay không. Theo ông, câu trả lời rõ như ban ngày là 'Có, chúng ta có thể làm được việc ấy'.

Tổng thống Lee Myung-bak nói thêm rằng chính phủ Hán Thành sẽ gia tăng việc chi tiêu một cách ‘mạnh bạo’ để đem lại sức mạnh mới cho sự tiêu thụ trong nước. Ông nói rằng sẽ có việc cắt giảm thuế, đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng xã hội, và hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.Tổng thống Lee trích dẫn lời tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt thời suy trầm kinh tế nói rằng điều duy nhất đáng sợ là chính sự lo sợ.

Ông Lee kêu gọi người dân Nam Triều Tiên hãy tin tưởng rằng các bài học của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á cách đây 10 năm đã làm gia tăng tính ổn định của nền kinh tế Nam Triều Tiên. Ông Lee dự trù sẽ cùng với các nhà lãnh đạo thế giới khác đến Washington dự hội nghị thượng đỉnh bàn về cuộc khủng hoảng tài chính.